Việc hiểu biết, nắm chắc các kiến thức pháp lý khi tiến hành hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế là một yếu tố quan trọng đối với bất kỳ nhà đầu tư nào khi quyết định đầu tư ra nước ngoài. Nắm vững các quy định pháp lý không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư mà còn giảm thiểu rủi ro pháp lý và tài chính có thể xảy ra trong quá trình hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, khi đầu tư tại một quốc gia như Lào, với hệ thống pháp lý và các quy định đặc thù, việc trang bị kiến thức pháp lý trở nên càng quan trọng hơn.
Lào là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nhờ vào nền kinh tế đang phát triển, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, và các chính sách thu hút đầu tư của chính phủ. Sự ổn định về chính trị và xã hội, cùng với vị trí địa lý thuận lợi, cũng là những yếu tố làm cho Lào trở thành một thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin pháp lý cần thiết mà các nhà đầu tư cần biết khi quyết định đầu tư tại Lào, bao gồm các quy định pháp lý về đầu tư, thuế và lao động. Ngoài ra, bài viết cũng hướng dẫn chi tiết các lưu ý cần thiết để tuân thủ pháp luật tại Lào, giúp nhà đầu tư nắm vững các thủ tục và yêu cầu pháp lý để có thể triển khai hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả và hợp pháp.
Thực trạng môi trường đầu tư tại Lào
Nền kinh tế Lào đang trên đà phát triển với tốc độ tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây. Với một nền kinh tế mở cửa, Lào đã thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia và tổ chức quốc tế. GDP của Lào chủ yếu dựa vào các ngành công nghiệp như khai thác khoáng sản, thủy điện, và nông nghiệp. Trong đó, khai thác khoáng sản và thủy điện là hai ngành công nghiệp chính, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách quốc gia.
Ngoài ra, các ngành dịch vụ như du lịch, ngân hàng, và viễn thông cũng đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn. Du lịch đặc biệt được coi là một ngành kinh tế mũi nhọn với tiềm năng phát triển lớn nhờ vào cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và di sản văn hóa phong phú.
Về tiềm năng đầu tư, Chính phủ Lào đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Các ưu đãi này bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm đầu hoạt động, miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc thiết bị và nguyên liệu sản xuất, cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác.
Ngoài ra, Lào cũng có các khu công nghiệp và khu kinh tế đặc biệt với các chính sách ưu đãi riêng biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và phát triển. Chính phủ Lào cam kết cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý và thủ tục hành chính, đảm bảo quyền lợi và bảo vệ tài sản của nhà đầu tư.
Những điều kiện thuận lợi này đã tạo nên một môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế, gia tăng vị thế của Lào là một khu vực địa lý có nhiều điểm mạnh, tâm thế hội nhập quốc tế cao và vững chắc, kiên định với mục tiêu trở thành một trong các điểm sáng về đầu tư tại Đông Nam Á.
Khung pháp lý về đầu tư tại Lào
Lào có một bộ luật đầu tư cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài với Luật Đầu tư (Law on Investment Promotion) số 02/NA ban hành ngày 8 tháng 7 năm 2009 và có hiệu lực từ 22 tháng 7 năm 2009 cùng các văn bản, nghị định hướng dẫn liên quan. Bản sửa đổi gần nhất của Luật Đầu tư Lào là ngày 17 tháng 11 năm 2016 với Luật số 14/NA.
Luật này gồm 109 điều, chia thành 8 phần, quy định các nguyên tắc, chế định và biện pháp về khuyến khích, quản lý đầu tư trong nước và nước ngoài tại Lào nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng, minh bạch, đúng mục đích, được Nhà nước bảo hộ, bảo đảm quyền và lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước, tập thể và nhân dân, thúc đẩy hội nhập khu vực và quốc tế, góp phần vào sự tăng trưởng liên tục của phát triển kinh tế – xã hội đất nước theo hướng xanh và bền vững.
Luật Đầu tư Lào quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, các thủ tục cần thiết để đăng ký và thực hiện đầu tư, cũng như các biện pháp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong quy định về đầu tư tại Lào là việc nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu hoàn toàn hoặc một phần doanh nghiệp tại Lào, tùy thuộc vào ngành nghề và quy định cụ thể của từng lĩnh vực. Luật cũng quy định về các hình thức đầu tư như liên doanh, hợp tác kinh doanh, và đầu tư trực tiếp.
Ngày 20 tháng 7 năm 2024, ASL LAW đã tổ chức hội thảo về đầu tư tại Lào với buổi chia sẻ của diễn giả khách mời Bà Lila Kadoudom.
Theo lời mời của công ty, Bà Lila đã đến trụ sở ASL LAW tại Hà Nội để trao đổi với nhân sự công ty về các quy trình, lưu ý khi đầu tư tại Lào cũng như để giúp nhân viên có một cái nhìn tổng quan hơn về hoạt động của doanh nghiệp tại Lào, nổi bật ở các vấn đề về thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập của người lao động Lào cũng như tình hình thị trường lao động và việc làm thực tế tại Lào so với Việt Nam.
Tại Lào, có nhiều cơ quan chính phủ tham gia vào quá trình xem xét và phê duyệt đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào là cơ quan chính chịu trách nhiệm quản lý và điều phối các hoạt động đầu tư. Bộ này sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp và Thương mại, và Bộ Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo rằng các dự án đầu tư được xem xét một cách toàn diện.
Ngoài ra, các cơ quan địa phương cũng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và giám sát các dự án đầu tư tại địa phương, đảm bảo rằng các dự án này được triển khai một cách hiệu quả và tuân thủ pháp luật.
Lưu ý về thuế và tài chính khi đầu tư tại Lào
Ưu đãi về thuế luôn là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để nhà đầu tư nước ngoài xem xét khi đầu tư vào một quốc gia. Họ sẽ không đầu tư nếu mức thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng là quá cao, dẫn đến việc họ thu ít hoặc không có lợi nhuận, thậm chí lỗ trong ngắn và trung hạn.
Tại Việt Nam, Chính phủ ta thường có các ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp nước ngoài khi họ đầu tư vào Việt Nam. Điển hình, Samsung, tập đoàn đa quốc gia có trụ sở chính tại Hàn Quốc hưởng ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư tại Việt Nam với mức thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% cho suốt quá trình triển khai dự án. Đi kèm với ưu đãi thuế là 4 năm đầu miễn thuế và 9 năm tiếp theo được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Tổng Cục thuế Việt Nam, tính đến hết năm 2022, thuế thực tế Việt Nam áp dụng đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam dao động ở mức trung bình 12,3%. Trong đó, nhiều công ty, tập đoàn lớn chỉ chịu mức thuế từ 2,75% đến 5,95%.
Đương nhiên, kể từ năm 2024, với việc quy định về mức thuế tối thiểu toàn cầu tại 15% của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD có hiệu lực, Việt Nam, Lào và các quốc gia khác khó có thể tiếp tục sử dụng thuế như một ưu đãi đặc biệt để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Bà Lila chia sẻ với nhân sự ASL LAW về các lưu ý khi thành lập doanh nghiệp tại Lào, xoay quanh các thủ tục pháp lý, thời gian quy định và thời gian đăng ký trong thực tế, cũng như các khó khăn cần chú ý xuyên suốt toàn bộ quá trình.
Trước đây, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Lào thường dao động khoảng 20%, tương tự với Việt Nam trong khi con số thực tế sẽ thấp hơn. Các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp chế biến, nông nghiệp, và công nghệ cao có thể được hưởng mức thuế suất thấp hơn. Ngoài ra, Lào cũng áp dụng một hệ thống phân loại thuế theo lợi nhuận, nghĩa là mức thuế suất có thể tăng hoặc giảm tùy theo mức lợi nhuận mà doanh nghiệp đạt được.
Chính phủ Lào cung cấp nhiều ưu đãi thuế để khuyến khích đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược hoặc trong các khu vực kinh tế đặc biệt. Các ưu đãi này bao gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm đầu hoạt động, giảm thuế trong các năm tiếp theo, và miễn hoặc giảm thuế đối với các khoản đầu tư tái đầu tư hoặc mở rộng sản xuất.
Những ưu đãi này thường được áp dụng cho các dự án đầu tư lớn, các dự án có sử dụng công nghệ hiện đại, hoặc các dự án đóng góp vào phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Nhà đầu tư cần thỏa mãn các điều kiện cụ thể do chính phủ Lào quy định để được hưởng các ưu đãi này.
Ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp, Lào đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) chuẩn là 10%. Các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài, phải đăng ký VAT nếu đạt được ngưỡng doanh thu nhất định.
Về thuế xuất nhập khẩu, Lào áp dụng thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu từ và đến quốc gia này. Mức thuế xuất nhập khẩu có thể thay đổi tùy theo loại hàng hóa và các thỏa thuận thương mại mà Lào tham gia. Đối với các nguyên liệu thô, máy móc, và thiết bị phục vụ sản xuất, chính phủ Lào có thể áp dụng miễn thuế hoặc giảm thuế để khuyến khích sản xuất và đầu tư.
Lưu ý về lao động tại Lào
Bên cạnh các khoản thuế phải đóng, vấn đề về nguồn lao động chất lượng, giá rẻ và cơ sở hạ tầng của một quốc gia là các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài.
Nguồn lao động giá rẻ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí sản xuất. Khi chi phí lao động thấp, doanh nghiệp có thể tiết kiệm đáng kể trong quá trình sản xuất và hoạt động. Nguồn lao động chất lượng cao cũng góp phần quan trọng vào khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Với sự đảm bảo về chất lượng lao động, doanh nghiệp có thể thực hiện các quy trình sản xuất tinh vi và đáp ứng các yêu cầu chất lượng cao.
Khi chi phí lao động thấp và chất lượng lao động tốt, doanh nghiệp có thể dễ dàng mở rộng quy mô sản xuất và phát triển các dự án mới mà không lo ngại về chi phí tăng cao hoặc đưa ra quyết định đầu tư lâu dài vào thị trường này.
Tuy nhiên, dù quốc gia như Lào có thể đáp ứng các điều kiện nay, nhà đầu tư cần lưu ý về việc tuân thủ các quy định pháp luật về lao động, đảm bảo quyền được trả lương công bằng, quyền được làm việc trong điều kiện an toàn và lành mạnh, và quyền được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và y tế của người lao động.
Theo bà Lila, thị trường lao động tại Lào rất khắc nghiệt. Nhiều người lao động trẻ mới gia nhập thị trường gặp nhiều khó khăn khi tìm việc, dẫn đến việc họ sẵn sàng chấp nhận mức lương, thù lao thấp. Theo quy định tại Nghị định số 115/PM ban hành ngày 16 tháng 8 năm 2017, lương tối thiểu cho khu vực thành phố và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Lào là khoảng 1.200.000 kip (khoảng 75 USD) mỗi tháng. Ở các khu vực nông thôn, mức lương có thể thấp hơn.
Nguồn lao động rẻ, chất lượng cao đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiến hành mở rộng quy mô doanh nghiệp của mình tại Lào. Điển hình, Việt Nam có Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), hay Tập đoàn Sembcorp của Singapore, Tập đoàn Hwa Seung từ Hàn Quốc, Tập đoàn Heineken của Hà Lan,…
Để đảm bảo tuân thủ các quy định về lao động, nhà đầu tư nước ngoài cần đặc biệt lưu ý lĩnh vực bảo hiểm xã hội và chế độ nghỉ phép của người lao động.
Người lao động Lào có quyền được tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội của Lào, bao gồm bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp, và bảo hiểm tai nạn lao động. Nhà tuyển dụng và người lao động đều có nghĩa vụ đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội theo tỷ lệ 5% mức lương cơ bản đối với người sử dụng lao động và 2% mức lương cơ bản đối với người lao động theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội Lào số 34/NA, được ban hành vào ngày 21 tháng 11 năm 2018.
Luật Lao động Lào cũng quy định các chế độ nghỉ phép theo luật định, bao gồm nghỉ phép hằng năm, nghỉ bệnh, và nghỉ thai sản. Người lao động Lào có quyền nghỉ phép hằng năm ít nhất 15 ngày đối với các hợp đồng lao động dài hạn. Phụ nữ mang thai có quyền nghỉ thai sản 90 ngày (60 ngày trước sinh và 30 ngày sau sinh). Trong thời gian nghỉ thai sản, họ có thể được hưởng trợ cấp từ quỹ bảo hiểm xã hội, thường là 50% mức lương cơ bản.
Các chế độ nghỉ này thường đi kèm với các khoản trợ cấp hoặc hỗ trợ tài chính nhằm bảo đảm rằng người lao động không bị ảnh hưởng quá lớn về tài chính khi nghỉ việc để chăm sóc sức khỏe hoặc các lý do cá nhân khác.
Kết luận
Để đầu tư hiệu quả tại Lào, các nhà đầu tư cần nắm vững khung pháp lý về đầu tư, bao gồm quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài, các loại hình đầu tư phù hợp và quy trình đăng ký đầu tư. Việc hiểu rõ các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và thuế xuất nhập khẩu cũng rất quan trọng để tối ưu hóa lợi nhuận và giảm chi phí.
Bên cạnh đó, Luật Lao động Lào quy định các quyền lợi cơ bản của người lao động, bao gồm mức lương tối thiểu, điều kiện làm việc và chế độ bảo hiểm xã hội. Những quy định này cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt để bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, mở rộng hoạt động kinh doanh và giải quyết các vấn đề phát sinh một cách hiệu quả.
Để tránh rủi ro pháp lý và tối ưu hóa chiến lược đầu tư, nhà đầu tư nên nghiên cứu kỹ lưỡng môi trường đầu tư và tham khảo ý kiến chuyên gia pháp lý và tài chính có kinh nghiệm về tư vấn đầu tư tại Lào. Sau khi đầu tư, việc theo dõi tình hình hoạt động và điều chỉnh chiến lược khi cần thiết sẽ giúp nhà đầu tư thích ứng với môi trường đầu tư đang thay đổi và đảm bảo sự phát triển bền vững.
ASL LAW hiện đang tư vấn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào cũng như là giải đáp, hướng dẫn pháp lý quan trọng tại thị trường này. Để nhận lời giải đáp cho các thắc mắc chi tiết theo cơ sở từng vụ việc khi đầu tư tại Lào, doanh nghiệp có thể liên hệ với ASL LAW. ASL LAW là công ty luật có thế mạnh trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại nhiều quốc gia trong nhiều năm nay khi đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn về Đầu tư tại Việt Nam và quốc tế.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN