Theo các quy định của Luật Quản lý ngoại thương, vào ngày 21 tháng 9 năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về công tác điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan với Hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước.
Trong quá trình thực hiện cam kết của Việt Nam với ASEAN liên quan tới việc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo yêu cầu của WTO, Việt Nam đã thực hiện việc bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu sản phẩm đường cho các quốc gia trong khu vực ASEAN tính từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Trong 8 tháng đầu năm 2020, sản lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh, lên tới gần 950.000 tấn, hay tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, sản lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan tới Việt Nam chiếm phần lớn, lên tới gần 860.000 tấn (cùng kỳ năm 2019 chỉ đạt 145.000 tấn và cả năm 2019 chỉ 300.000 tấn). Đại diện ngành sản xuất trong nước chia sẻ, sản lượng nhập khẩu gia tăng chóng mặt như vậy đã gây thiệt hại không nhỏ cho ngành mía đường nội địa. Sản lượng đường mía nội địa trong năm 2019/2020 theo ước tính chưa chạm được ngưỡng 800 nghìn tấn, giảm mạnh so với con số 1,2 triệu tấn trong năm 2018/2019.
Hơn nữa, ngành sản xuất trong nước cũng đã chia sẻ các thông tin, bằng chứng cho thấy sản phẩm đường mía được nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá tại Việt Nam. Chính phủ Thái Lan đã và đang tiếp tục một số chính sách hỗ trợ cho hoạt động trồng mía của người dân nói riêng và cả ngành sản xuất mía đường nói chung.
Bộ Công Thương sẽ điều tra theo quy định của pháp luật để có thể xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất nội địa trước các hành vi phản cạnh tranh tới từ nước ngoài. Các quy trình , thủ tục sắp tới sẽ được thực hiện theo Thông báo đính kèm Quyết định số 2466/QĐ-BCT.
Dựa trên các quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương có thể áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước với các loại hàng hóa bị áp thuế trong khoảng thời gian 90 ngày trước khi bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời. Do đó, Bộ Công Thương đã khuyến nghị rằng các tổ chức, cá nhân khi thực hiện ký kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra cần phải đặc biệt chú ý về khả năng hàng hóa có thể bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời cũng như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước.
Các hoạt động sắp tới của Bộ Công Thương
Tuân thủ các quy định pháp luật, sau khi thực hiện công cuộc điều tra, Bộ Công Thương sẽ gửi văn bản các câu hỏi điều tra tới các bên liên quan để tiến hành thu thập thông tin với mục đích phân tích, xác minh những hành vi bị cáo buộc bao gồm: (i) hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan; (ii) hành vi trợ cấp của Chính phủ Thái Lan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan; (iii) thiệt hại của ngành sản xuất đường mía của Việt Nam; và (iv) mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá, trợ cấp và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương sẽ tiến hành công tác thẩm tra, làm rõ các thông tin thu thập được các bên liên quan trước khi đưa ra kết luận điều tra cuối cùng về vụ việc. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ tiến hành tham vấn công khai để các bên liên quan có thể trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, cũng như chia sẻ quan điểm riêng về vụ việc trước khi đưa ra kết luận chính thức với vụ việc.
Cuối cùng, Bộ Công Thương đã đưa ra khuyến cáo với tất cả các tổ chức, cá nhân đang xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra nên đăng ký trở thành bên liên quan để có thể cung cấp những thông tin quan trọng với Bộ Công Thương với mục đích đảm bảo quyền và lợi ích của cá nhân theo quy định của pháp luật.
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được hướng dẫn về luật doanh nghiệp, luật lao động, luật sở hữu trí tuệ, tư luật về bất động sản.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN