Trước đây, khi quy định về thời gian bảo lưu hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa hoàn thiện, đã có tình trạng nhiều người lao động đến làm thủ tục sau khi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp vượt quá 12 năm được thông báo bởi chuyên viên bảo hiểm rằng họ chỉ có thể nhận được tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng còn lại sẽ không được bảo lưu.
Việc không có thông tin về khoảng thời gian tối đa được hưởng và khoảng thời gian còn lại không được bảo lưu đã ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người lao động khi phần lớn người lao động hiện tập trung vào làm việc và chỉ lên kế hoạch hưởng bảo hiểm trước khi đến tuổi nghỉ hưu 1 năm.
Theo đó, nếu người lao động làm việc và đóng bảo hiểm xã hội 40 năm liên tục, họ vẫn sẽ chỉ nhận được tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp như người lao động đóng đủ 12 năm. Còn khoảng thời gian 28 năm còn lại sẽ không được bảo lưu cho lần hưởng tiếp theo. Nếu sau đó người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm thì thời gian hưởng sẽ được tính lại từ tháng 1.
Quy định này đã được các cơ quan bảo hiểm xã hội phổ biến và triển khai song thông tin không được phổ cập. Chỉ đến khi người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thì mới nhận được thông tin.
Nắm được tình trạng này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH và Nghị định 28/2015/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp quy định rõ các trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Điểm a khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH quy định người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng đến đủ 144 tháng thì thời gian đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì những thời gian chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp không được bảo lưu.
Thông tư cũng đưa 2 ví dụ để làm rõ quy định trên, cụ thể:
Ví dụ 5: Bà Nguyễn Thị Đ có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 41 tháng, như vậy, nếu bà Đ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng (tương ứng với 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) và được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 05 tháng.
Ví dụ 6: Bà Nguyễn Thị E có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 150 tháng, như vậy, nếu bà E đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp 12 tháng và được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 0 tháng.
Người lao động không được bảo lưu thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp quá 12 tháng tại Việt Nam
Theo đó, kể từ ngày 15 tháng 2 năm 2024, người lao động Việt Nam sẽ có cơ sở pháp lý chắc chắn về việc họ sẽ không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp nếu đã đóng quá 144 tháng bảo hiểm thất nghiệp.
Để đảm bảo quyền lợi của mình, người lao động nên có kế hoạch tận dụng tối đa khoản trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Điển hình, họ có thể làm việc và đóng bảo hiểm 12 năm, nghỉ 1 năm để hưởng trọn vẹn toàn bộ số tiền bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng. Sau đó tiếp tục đi làm lại bình thường và tham gia chế độ bảo hiểm.
Đây là cơ chế cũng được khuyến khích bởi Bộ Lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động, tránh bị thiệt thòi khi nghỉ hưu và vẫn còn thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp không hưởng. Cần lưu ý rằng nếu người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp thì họ sẽ không còn đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, người lao động cũng nên có kế hoạch tận dụng tối đa khoảng thời gian trước khi đến tuổi nghỉ hưu để hưởng trợ cấp thất nghiệp (62 đối với nam và 60 đối với nữ theo kế hoạch tịnh tiến tuổi nghỉ hưu tại Việt Nam).
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn Luật về Lao động và Việc làm.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN