Với việc Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo về việc Anh đã hoàn tất thỏa thuận đàm phán gia nhập CPTPP và qua đó, sẽ chính thức gia nhập CPTPP trong thời gian tới, quốc gia này sẽ chính thức công nhận Việt Nam – 1 thành viên chính thức của CPTPP là nền kinh tế thị trường trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại có liên quan giữa hai quốc gia.
Anh đã nghiên cứu khả năng gia nhập CPTPP từ đầu năm 2018, nhằm kích thích xuất khẩu hậu Brexit. Chính phủ Anh nộp đơn xin gia nhập CPTPP từ năm 2021. Với việc các quốc gia chính thức xác nhận Anh đủ điều kiện gia nhập CPTPP thì Anh sẽ là thành viên mới đầu tiên của tổ chức này kể từ khi CPTPP được tái thành lập, ký kết lại từ TPP.
Ngoài Anh, một số quốc gia khác đã nộp đơn và đang trong tình trạng xét duyệt yêu cầu gia nhập CPTPP là: Đài Loan (Taiwan), Thái Lan, Colombia, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia.
Các quốc gia này đang thực hiện các cuộc đàm phán với các nước thành viên CPTPP nhằm đưa ra các cam kết và điều kiện gia nhập. Việc gia nhập CPTPP giúp các quốc gia này tăng cường quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời được hưởng lợi từ các quy định thương mại tự do và bảo vệ đầu tư.
Anh xác nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Với việc chính thức gia nhập CPTPP, Anh sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại, tức coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường như trước đây.
Việc Anh xác nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường là đặc biệt quan trọng khi mà việc quốc gia này gia nhập CPTPP sẽ không khiến Việt Nam hay Anh miễn nhiễm với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại song phương, hay từ các quốc gia thành viên khác của CPTPP.
Điển hình, đầu tháng 7 năm 2023, Việt Nam đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực từ Malaysia – một quốc gia thành viên của CPTPP. Ngoài Malaysia, Việt Nam cũng khởi xướng điều tra cáp thép dự ứng lực với Thái Lan và Trung Quốc.
Khi một quốc gia không được xác định là nền kinh tế thị trường, tức nền kinh tế phi thị trường, các quốc gia khác sẽ gặp khó khăn trong việc xác định chi phí và giá cả hàng hóa xuất xứ từ quốc gia đó trong các cuộc điều tra chống bán phá giá hay áp dụng các biện pháp đối kháng. Theo đó, việc sử dụng chi phí và giá cả tại nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam có thể sẽ không hợp lý, chủ yếu bắt nguồn từ sự can thiệp quá sâu của Chính phủ vào sự vận hành của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hiện nay khái niệm về nền kinh tế thị trường/phi thị trường vẫn chưa được thống nhất bởi WTO. Các quốc gia thành viên có thể lựa chọn việc công nhận một quốc gia khác là nền kinh tế thị trường/phi thị trường như việc Anh sắp tới công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, nếu quốc gia xuất khẩu hàng hóa như Việt Nam không được coi là một nền kinh tế thị trường, quốc gia điều tra bán phá giá sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam như Anh sẽ sử dụng các thông tin có tính đại diện của doanh nghiệp một nước thứ ba thay thế được coi là có nền kinh tế thị trường.
Với phương thức xác định dữ liệu này, Việt Nam thường sẽ nhận được kết luận với biên độ phá giá cao hơn thông thường, dẫn đến mức thuế phòng vệ thương mại cao hơn nhiều so với các nước được coi là nền kinh tế thị trường.
Nếu được xác định là nền kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ không nhận được bất lợi khi xác định dữ liệu điều tra và qua đó, sẽ nhận được mức thuế chống bán phá giá, đối kháng công bằng đúng với tình hình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm điều tra.
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được hướng dẫn về Chống Bán Phá giá Và Phòng Vệ Thương Mại.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN