Ngày 30 tháng 10 năm 2024, Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại trong vụ việc điều tra chống bán phá giá⁄chống trợ cấp nhôm đùn ép nhập khẩu.
Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp sản phẩm nhôm đùn ép nhập khẩu từ Trung Quốc, Colombia, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Malaysia, Mexico, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Việt Nam.
Tuy nhiên, dù có kết luận của DOC về việc có hành vi bán phá giá hoặc trợ cấp, ITC xác định rằng ngành công nghiệp Hoa Kỳ không bị thiệt hại đáng kể do nhôm đùn ép nhập khẩu từ 14 nước/vùng lãnh thổ bị điều tra.
Đây là một trường hợp tương đối hiếm gặp khi kết luận của ITC bác bỏ khả năng áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp trong một vụ điều tra khi đã có kết luận có hành vi bán phá giá/trợ cấp của DOC. Thông thường, khi đã có kết luận của DOC về việc có hành vi bán phá giá/trợ cấp thì phần lớn kết luận của ITC sau đó sẽ là có thiệt hại phát sinh từ hành vi bán phá giá/trợ cấp đó lên ngành sản xuất nội địa.
Sản phẩm chỉ bị áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp nếu cả hai cơ quan đều ban hành kết luận khẳng định: Có tồn tại hành vi bán phá giá/trợ cấp; Có thiệt hại phát sinh; Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá/trợ cấp và thiệt hại phát sinh.
Theo quy định điều tra của Hoa Kỳ, có hai cơ quan tham gia trong một vụ việc điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp: DOC điều tra về hành vi bán phá giá/trợ cấp và chịu trách nhiệm chung về kết quả điều tra trong khi ITC chịu trách nhiệm đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Qua đó, theo kết luận của USITC, DOC sẽ không ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp đối với nhôm đùn ép nhập khẩu từ 14 nước/vùng lãnh thổ trên.
Vụ điều tra phòng vệ thương mại sản phẩm nhôm đùn ép do DOC khởi xướng điều tra từ ngày 24 tháng 10 năm 2023, trong đó Việt Nam chỉ bị điều tra chống bán phá giá.
Để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan nên tìm hiểu quy định, trình tự điều tra của các vụ việc phòng vệ thương mại và chủ động liên hệ với các công ty luật Việt Nam có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực chống bán phá giá, phòng vệ thương mại để nhận được hỗ trợ kịp thời.
Thông báo của ITC xem tại đây.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được hướng dẫn về Chống Bán Phá giá Và Phòng Vệ Thương Mại.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN