Với vai trò là cơ quan giữ gìn công lý và bảo vệ quyền lợi của cá nhân và tổ chức tối cao tại Việt Nam, việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án không chỉ đòi hỏi sự công bằng và minh bạch mà còn phản ánh sự thấu hiểu và ứng xử linh hoạt của hệ thống pháp luật đối với các vấn đề phức tạp trong xã hội.
Đối với nhiều cá nhân và tổ chức, Toà án chính là hi vọng cuối cùng để bảo vệ quyền lợi, danh dự và nhân phẩm của họ. Chính vì vậy mà việc hiểu rõ quy trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án là cực kỳ quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Trên cơ sở này, bài viết sau sẽ phân tích rõ quy trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án Việt Nam, gồm các lưu ý về thời hiệu khởi kiện, quá trình nộp đơn, thụ lý, hòa giải và xét xử.
Thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện là một trong các yếu tố căn bản nhưng đồng thời cũng là một trong các yếu tố quan trọng nhất các đương sự trong vụ tranh chấp cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng cần lưu ý. Điều này là bởi vì việc không nắm chắc được các quy định về thời hiệu khởi kiện có thể dẫn đến việc đương sự bỏ lỡ thời gian hợp pháp để tiến hành nộp đơn, yêu cầu khởi kiện.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự năm 2015 số 91/2015/QH13 (“Bộ luật dân sự năm 2015”), thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Khoản 1 Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 số 92/2015/QH13 (“Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”) cũng có quy định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự.
Trong thời hiệu khởi kiện, một trong các bên tranh chấp có quyền khởi kiện đến Tòa án để được giải quyết theo quy định pháp luật nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi hết thời hiệu khởi kiện, việc khởi kiện tại Tòa án để giải quyết vụ việc sẽ không được Tòa án thụ lý với lý do đã hết thời hiệu khởi kiện.
Bộ luật dân sự năm 2015 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đều không có quy định chung về khoảng thời gian được tính là thời hiệu khởi kiện, chỉ có quy định rằng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp khác nhau cũng sẽ có sự khác biệt về thời gian. Điển hình, Điều 319 Luật Thương mại năm 2005 số 36/2005/QH11 quy định thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm trong khi Điều 588 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm hay trong các tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện sẽ là 03 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp căn cứ theo Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 số 24/2000/QH10, sửa đổi bổ sung năm 2010.
Chính vì vậy mà khi có nhu cầu khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, các đương sự cần chú ý trong việc xác định loại tranh chấp của mình và nghiên cứu chi tiết về thời hiệu khởi kiện tương xứng với loại tranh chấp đó, tránh các rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án.
Ngoài ra, khi yêu cầu khởi kiện, đương sự cần chú ý đến vấn đề về thời điểm diễn ra tranh chấp và thời điểm nộp yêu cầu tới Tòa án, thời điểm Tòa án thụ lý và giải quyết vụ việc.
Điển hình, các quy định về thời hiệu khởi kiện tại Bộ luật dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 nhưng trong trường hợp Tòa án đã nhận được đơn khởi kiện của đương sự, thụ lý vụ việc trước ngày này nhưng chưa giải quyết hoặc đang trong quá trình giải quyết thì Tòa án vẫn sẽ áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011 số 65/2011/QH12 (“Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011”) và của Bộ luật dân sự năm 2005 số 33/2005/QH11 (“Bộ luật dân sự năm 2005”) để giải quyết.
Ví dụ, một vụ tranh chấp phát sinh từ năm 2010 nhưng phải đến năm 2014 đương sự mới khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết vụ việc thì vụ án trên cần áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011 để giải quyết dù thời điểm Tòa án chính thức giải quyết vụ việc là sau năm 2017.
Trong các vụ tranh chấp mà một bên nộp yêu cầu khởi kiện không trong thời hiệu khởi kiện thì bên còn lại có thể yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện để đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Lưu ý trong quá trình nộp đơn
Việc nộp đơn khởi kiện là bước đầu tiên trong quy trình tố tụng kéo dài và tốn nhiều chi phí. Chính vì vậy mà việc đảm bảo sự chuẩn xác trong đơn khởi kiện là đặc biệt quan trọng để đảm bảo quyền và lợi ích bị xâm phạm của nguyên đơn.
Việc chuẩn bị tốt cơ sở cho quá trình kiện tụng sẽ đảm bảo nguyên đơn có thể theo sát vụ việc, nắm chắc được tỉ lệ chiến thắng thông qua việc có thể triển khai những chiến thuật tố tụng hiệu quả trong suốt toàn bộ vụ kiện có thể kéo dài nhiều năm.
Một số lưu ý trong quá trình nộp đơn mà nguyên đơn cần chú ý bao gồm:
Về nơi khởi kiện, thông thường, nguyên đơn thường nộp đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc nơi đặt trụ sở chính của bị đơn nếu bị đơn là tổ chức hoặc nơi cư trú của bị đơn nếu bị đơn là cá nhân.
Tuy nhiên, xét trên thực trạng rằng việc khởi kiện là một quá trình kéo dài mà không chỉ cần nộp đơn duy nhất một lần, nguyên đơn có thể cần liên tục làm việc với Tòa án trong nhiều năm thì việc lựa chọn Tòa án gần với nơi sống, hoạt động thường xuyên của nguyên đơn là một giải pháp hợp lí.
Việc lựa chọn Tòa án gần không chỉ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại mà còn giúp cho nguyên đơn có thể chủ động triển khai, theo dõi vụ việc trực tiếp, kể cả trong trường hợp nguyên đơn khởi kiện thông qua hoặc có sự hỗ trợ, tư vấn của các công ty luật.
Về hồ sơ khởi kiện, nguyên đơn cần chú ý về việc đảm bảo độ chính xác và đầy đủ của các tài liệu, bao gồm nhưng không giới hạn ở đơn khởi kiện, chứng cứ chứng minh quyền khởi kiện, thư ủy quyền cho đơn vị tư vấn pháp lý thực hiện việc khởi kiện thay nguyên đơn,…
Đáng chú ý, việc sắp xếp, chọn lọc nộp các tài liệu cho Tòa án cũng có thể là một phần chiến thuật của nguyên đơn. Trong một số vụ việc chắc thắng, việc gửi tất cả tài liệu, chứng cứ sẵn có cho Tòa án có thể là một giải pháp hiệu quả để gây sức ép cho bị đơn. Ngược lại, việc cung cấp quá nhiều ‘con bài tẩy’ cũng đồng nghĩa với việc cho bị đơn thời gian để chuẩn bị hồ sơ phản bác, đáp trả trong trường hợp chứng cứ không hoàn toàn rõ ràng.
Việc nộp quá nhiều tài liệu một lúc cũng có thể gây nên áp lực cho hệ thống tư pháp khi thẩm phán phải tốn thời gian nhiều hơn sàng lọc tài liệu và có thể bỏ sót hoặc không phân tích chuyên sâu những vấn đề quan trọng đến kết quả vụ việc. Tư tưởng nộp một khối lượng khổng lồ các tài liệu và mong đợi thẩm phán đọc và phân tích từng trang báo cáo là không thực tế vì chắc chắn thẩm phán sẽ không thực hiện điều này.
Chính vì vậy mà việc sàng lọc, lựa chọn những tài liệu quan trọng, thiết yếu đến kết quả vụ việc là điều mà nguyên đơn cần chú ý, có thể xem xét tư vấn của các công ty luật có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tố tụng.
Trong một số trường hợp, đương sự có thể yêu cầu Tòa án thu thập các chứng cứ liên quan đến việc giải quyết vụ án mà đương sự không thể tiếp cận được, điển hình như các tài liệu mật thiết liên quan đến tài khoản ngân hàng của bị đơn vốn là thông tin được bảo mật bởi hệ thống ngân hàng để yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời như phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước của bị đơn để tránh việc tẩu thoát tài sản.
Về việc rút hoặc bổ sung yêu cầu khởi kiện, nguyên đơn cần lưu ý trong việc đưa ra quyết định rút hoặc bổ sung yêu cầu khởi kiện sau khi đã nộp đơn khởi kiện.
Việc rút yêu cầu khởi kiện thông thường không phức tạp và có thể được tiến hành nhanh chóng. Tuy nhiên, việc bổ sung yêu cầu khởi kiện có thể đặc biệt phức tạp khi Tòa án và nguyên đơn phải tiến hành lại gần như hoàn toàn các thủ tục tố tụng hai bên đã thực hiện khi nguyên đơn nộp đơn ban đầu. Một trong các khó khăn bao gồm việc mở phiên họp hòa giải giữa các bên về yêu cầu bổ sung, có thể không đạt được sự hợp tác của bị đơn và các bên liên quan.
Chính vì vậy mà một trong các chiến thuật thường được bên nguyên đơn áp dụng là đưa ra tất cả các yêu cầu hợp lí mà họ có thể nghĩ đến, sau đó dần rút các yêu cầu không có khả năng thắng cao thay vì chỉ nộp các yêu cầu trọng tâm mà không nộp các yêu cầu phụ có thể trở nên thiết yếu sau này.
Tòa án thụ lý vụ việc
Khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khác với quy định về khởi tố vụ án hình sự, vụ việc dân sự không mặc định được tiến hành mà không có yêu cầu khởi kiện của đương sự.
Điều kiện này nhằm đảm bảo tính dân chủ, đề cao tinh thần hợp tác, thỏa thuận giải quyết tranh chấp giữa các bên mà không nhất thiết phải qua con đường tố tụng, khác với tính chất của các vụ án hình sự với mức độ nguy hiểm cao, có khả năng đe dọa đến sự ổn định của xã hội.
Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, thẩm phán tại Tòa án nhận đơn sẽ xem xét đơn khởi kiện và ra quyết định yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, tiến hành thụ lý vụ án, chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền, hoặc trả lại đơn nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong vòng 5 ngày căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, qua đó tiến hành thụ lý vụ án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Việc Tòa án chính thức thụ lý vụ án phải được Thẩm phán thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý theo quy định tại khoản 1 Điều 196 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Thực hiện hòa giải trong giai đoạn sơ thẩm
Nguyên tắc tiến hành hòa giải được quy định tại khoản 1 Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Cụ thể, trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Hiện nay, phần lớn các vụ án dân sự phải trải qua thủ tục hòa giải để đảm bảo tinh thần giải quyết vụ tranh chấp, mâu thuẫn trên tinh thần thiện chí, hòa ái, hợp tác song phương mà không gây rạn nứt quan hệ hai bên.
Trong trường hợp các bên tranh chấp tìm được tiếng nói chung và thống nhất được phương pháp giải quyết vụ án thì khi đó, căn cứ Điều 213 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, quyết định liên quan đến thỏa thuận giữa các đương sự sẽ có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Hòa giải tại phiên tòa sơ thẩm được coi như việc các đương sự tự chủ động tìm sự đồng nhất trong quan điểm giải quyết vụ án. Tòa án là bên công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, kiểm tra về việc thỏa thuận này không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội nhưng hoàn toàn không tham gia vào việc hòa giải giữa các bên.
Trong thực tiễn áp dụng, tại thời điểm bắt đầu phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa sẽ hỏi các đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không. Nếu các đương sự trả lời đã đạt được thỏa thuận hòa giải, Tòa án sẽ lập Biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên.
Quyết định này có giá trị như một Bản án phúc thẩm vì nó không bị kháng cáo hay kháng nghị theo trình tự phúc thẩm mà sẽ có hiệu lực ngay. Nếu các bên không tự nguyện thi hành thì có thể bị Cơ quan thi hành án, cưỡng chế thi hành.
Trường hợp các bên đương sự không hòa giải được với nhau thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án sẽ ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử để giải quyết theo quy định pháp luật.
Cần lưu ý rằng thủ tục hòa giải tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm có sự khác biệt về tính chất so với một trong các phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế ADR là hòa giải thương mại.
Quá trình xét xử vụ việc
Khi các bên hòa giải không thành hoặc không thuộc các trường hợp phải hoặc được tiến hành hòa giải trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, vụ án chính thức bắt đầu được xem xét giải quyết sơ thẩm. Thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với các vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 01 đến 02 tháng.
Thành phần tham gia phiên tòa được quy định từ Điều 227 đến Điều 232 tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, gồm đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Người đại diện của đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Người làm chứng; Người giám định và Người phiên dịch, Kiểm sát viên.
Một phiên tòa sơ thẩm sẽ có một hội đồng xét xử gồm 01 thẩm phán và 02 hội thẩm, trường hợp đặc biệt thì có 02 thẩm phán và 03 hội thẩm, theo thủ tục rút gọn thì chỉ bằng 01 thẩm phán.
Bản án của Tòa sơ thẩm tuyên có thể là chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Nguyên đơn, hoặc chỉ chấp nhận một phần, hoặc bác bỏ toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Bản án sơ thẩm không có hiệu lực ngay. Nếu không có kháng cáo hoặc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì Bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực.
Sau khi xét xử sơ thẩm vụ án, nếu các đương sự không đồng ý với bản án ban hành bởi Tòa án cấp sơ thẩm thì họ có quyền nộp đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại nội dung bản án. Tòa án cấp phúc thẩm có thể tuyên án y án sơ thẩm, hủy bản án sơ thẩm hoặc sửa án sơ thẩm.
Với chế độ hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm hiện nay, Bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực ngay từ thời điểm tuyên án. Các đương sự không được quyền kháng cáo nữa và vụ án chính thức kết thúc tại đây.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal. xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn về tranh tụng và giải quyết tranh chấp.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN