(Bài trả lời phỏng vấn của Luật sư Phạm Duy Khương trên báo An Ninh Thủ Đô): Vừa qua, Hội đồng cạnh tranh đã ban hành Quyết định số 26/QĐ-HĐXL trong đó không chấp nhận đề nghị của Cục quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (QLCT&BVNTD) về việc áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục đối với Công ty TNHH GrabTaxi (Grab) và Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber). Điều này có nghĩa, trong vụ thâu tóm Uber, Grab được tuyên “vô tội”.
Grab mua lại Uber không phải hành vi bị cấm?
Việc Grab được tuyên “vô tội” đồng nghĩa với hoạt động mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận quyền và nghĩa vụ giữa Grab và Uber Việt Nam không bị coi là hành vi bị cấm theo quy định của Luật cạnh tranh 2005.
Trước sự việc trên, nhiều người đặt câu hỏi, vì sao các nước xử phạt Grab còn Việt Nam lại không? Lý giải vấn đề này, Luật sư Phạm Duy Khương – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo quy định của Luật Cạnh tranh, một hành vi tập trung kinh tế dưới hình thức mua lại doanh nghiệp khác là “việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại”.
Trong đó, việc kiểm soát hoặc chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp khác là “trường hợp một doanh nghiệp giành được quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp khác đủ chiếm được trên 50% quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng cổ đông, HĐQT hoặc ở mức mà theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ của doanh nghiệp bị kiểm soát đủ để doanh nghiệp kiểm soát chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của doanh nghiệp bị kiểm soát nhằm thu được lợi ích kinh tế từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị kiểm soát”.
Với vụ việc của Grab và Uber, Hội đồng cạnh tranh đã coi việc Grab mua lại Uber nhưng Grab “không tham gia quản lý Uber Việt Nam, không chiếm bất kỳ quyền bỏ phiếu nào trong các cơ quan quản lý của Uber Việt Nam”.
Ngoài ra, Uber Việt Nam không có ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực gọi xe hay cung cấp dịch vụ vận tải tại Việt Nam, cũng không trực tiếp quản lý, vận hành ứng dụng Uber. Do đó, việc mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ giữa GrabTaxi và Uber Việt Nam không liên quan trực tiếp đến việc Grab kiểm soát, chi phối hoạt động của Uber.
“Vì lý do này, Hội đồng cạnh tranh đã kết luận hoạt động mua bán giữa Grab và Uber không cấu thành hành vi tập trung kinh tế bị cấm nên không cần phải xác định thị trường liên quan và thị phần kết hợp của các bên bị điều tra” – Luật sư Phạm Duy Khương nhận định.
Đâu là nguyên nhân của sự khác biệt?
Cũng theo Luật sư Phạm Duy Khương, công ty luật ASL LAW, phán quyết trên của Hội đồng cạnh tranh khác với phán quyết của vụ việc liên quan đến Grab và Uber ở các quốc gia khác.
Như tại Singapore, cơ quan có thẩm quyền nước này đã xác định và kết luận hành vi của Grab và Uber vi phạm các quy định về cạnh tranh nên bị phạt tiền. Kèm theo đó là yêu cầu Grab phải duy trì thuật toán định giá cước chuyến đi, mức chiết khấu đối với lái xe như trước khi sáp nhập.
Nguyên nhân của sự khác biệt này là do sự khác nhau trong quy định về quản lý cạnh tranh và hoạt động thực tiễn của Grab với Uber có sự khác nhau giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề là liệu các quy định của pháp luật về cạnh tranh đã chặt chẽ hay chưa và có tương đồng với các quy tắc cạnh tranh lành mạnh hiện đang được áp dụng bởi các quốc gia trên thế giới hay không.
Tại Việt Nam, Luật Cạnh tranh 2004 đã được thay thế bởi Luật Cạnh tranh 2018 và luật này sẽ có hiệu lực kể từ 1/07/2019. So với luật cũ, Luật Cạnh tranh 2018 đã thay đổi khái niệm về hành vi mua bán doanh nghiệp “mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại”.
Song, định nghĩa thế nào là “kiểm soát, chi phối một doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại” vẫn phải chờ hướng dẫn của văn bản dưới luật – Luật sư Phạm Duy Khương cho biết.
Link: Tải toàn văn Quyết định số 26/QĐ-HĐXL