Ngày 07 tháng 5 năm 2019, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) đã ban hành Kết luận sơ bộ trong đó thông báo về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm gạch ốp lát nhập khẩu vào Philippines, trong đó có Việt Nam.
Theo Kết luận sơ bộ này, DTI kết luận lượng nhập khẩu gạch ốp lát đã gia tăng đột biến, là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trong thời kỳ điều tra. Do vậy, để bảo vệ ngành sản xuất nội địa cũng như thúc đẩy ngành sản xuất nội địa tiếp tục phát triển, DTI quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời dưới dạng tiền đặt cọc với mức 3,00 pê sô/kg, tương đương 3000 pê sô/tấn (khoảng 57 USD/tấn).
Biện pháp tự vệ tạm thời này sẽ có hiệu lực trong vòng 200 ngày kể từ ngày Cục Hải quan Philippines ban hành Lệnh thu thuế hoặc 15 ngày sau khi DTI công bố Lệnh áp thuế trên công báo (tùy thời điểm nào xảy ra trước). Theo quy trình vụ việc, đây chỉ là Kết luận sơ bộ và cơ quan điều tra Philippines sẽ tiếp tục điều tra để ban hành Kết luận cuối cùng. Trong giai đoạn từ nay đến khi có Kết luận cuối cùng, Cơ quan điều tra có thể nhận ý kiến phản hồi/bình luận của các bên liên quan về Kết luận sơ bộ, mức thuế tạm thời cũng như tổ chức Phiên điều trần công khai cho tất cả các bên liên quan bày tỏ quan điểm về vụ việc trước Cơ quan điều tra.
Ngoài Việt Nam, một số quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng khác cũng đã lên tiếng phản đối cáo buộc của Philippines trong đó có các luận điểm chính như: (i) Không tồn tại thiệt hại nghiêm trọng, (ii) Không tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa sự gia tăng hàng nhập khẩu và sự thiệt hại của ngành sản xuất nội địa Philippines, (iii) Việc chứng minh các diễn biến không lường trước được chưa thuyết phục,…
– Toàn văn thông báo và bản báo cáo công khai của DTI được đăng tải tại đường dẫn dưới đây: Department Administrative Order No. 19-06_PRELIMINARY DETERMINATION OF THE SAFEGUARD MEASURES CASE AGAINST THE IMPORTATION OF CERAMIC FLOOR AND WALL TILES FROM VARIOUS COUNTRIES
Để đảm bảo quyền lợi, Cục PVTM khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu có liên quan của Việt Nam tích cực tham gia, hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin cho DTI trong quá trình điều tra; nghiên cứu kết luận của Cơ quan điều tra để có bình luận phản biện (đặc biệt xem xét việc tuân thủ quy định của WTO) và/hoặc tham dự Phiên điều trần công khai để bày tỏ quan điểm nhằm đảm bảo kết quả tích cực cho vụ việc.
— ASL LAW: Dịch vụ tư vấn về Chống bán phá giá—
Với mạng lưới luật sư Thành viên tại nhiều nước, trong đó có Philippines, ASL LAW tin chắc có thể cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý nói chung và tư vấn pháp lý về chống bán phá giá tại Philippines. Hãy liên hệ với Công ty Luật ASL LAW để được tư vấn về dịch vụ Chống bán giá. Chi tiết về Dịch vụ chống bán phá giá có thể xem tại đây.
— Tin tức liên quan: Áp Dụng Biện Pháp Chống Bán Phá Giá Tạm Thời Đối Với Một Số Sản Phẩm Nhôm Có Xuất Xứ Từ Trung Quốc