Hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam đã và đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, với hành lang pháp lý chặt chẽ, cũng như các yêu cầu đăng ký nghiêm ngặt mang đến cho doanh nghiệp sự bảo vệ cần thiết. Bài viết này sẽ đề cập đến sự phát triển của hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, cũng như nền tảng pháp lý và các bước quan trọng trong quy trình đăng ký nhượng quyền thương mại.
Sự phát triển của hoạt động nhượng quyền thương mại
Hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam bắt đầu khởi sắc từ năm 2009, với việc các quy định về thị trường bán lẻ để tuân thủ các nghĩa vụ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) được nới lỏng. Kể từ đó, mô hình nhượng quyền đã mở rộng nhanh chóng, với nhiều thương hiệu nổi tiếng nước ngoài xuất hiện tại Việt Nam thông qua mạng lưới nhượng quyền. Ban đầu hoạt động này bị chi phối bởi các thương hiệu nhượng quyền từ nước ngoài, nhưng sau đó, thị trường đã chứng kiến sự trỗi dậy của các thương hiệu Việt trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hoạt động nhượng quyền thương mại khá phù hợp với văn hóa khởi nghiệp sôi động tại Việt Nam, mang đến một phương pháp kinh doanh hấp dẫn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu nhanh chóng thành lập các dự án kinh doanh mới. Khi so sánh với việc bắt đầu hoạt động kinh doanh hoàn toàn mới, nhượng quyền thương mại là một giải pháp thay thế có rủi ro thấp hơn với mức đầu tư vốn nhỏ hơn.
Khung pháp lý của hoạt động nhượng quyền thương mại
Khuôn khổ pháp lý về nhượng quyền thương mại tại Việt Nam chủ yếu được quy định bởi Luật Thương mại được Quốc hội ban hành ngày 14/6/2005. Luật này được quy định chi tiết hơn tại Nghị định số 35/2006/ND-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/3/2006 và được sửa đổi bởi Nghị định số 120/2011/ND-CP (16/12/2011) và số 08/2018/ND-CP (15/01/2018).
Thông tư số 09/2006/TT-BTM do Bộ Công Thương ban hành ngày 25 tháng 5 năm 2006, được sửa đổi bởi Thông tư số 04/2016/TT-BCT cũng có quy định về hoạt động nhượng quyền thương mại. Bên cạnh đó, hoạt động nhượng quyền thương mại cũng có các quy định có liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ.
Luật nhượng quyền thương mại của Việt Nam không chỉ áp dụng cho các hợp đồng nhượng quyền trong nước mà còn mở rộng cho các bên nhượng quyền nước ngoài thực hiện nhượng quyền tại Việt Nam và các bên nhượng quyền Việt Nam thiết lập các thỏa thuận nhượng quyền thương mại ở nước ngoài.
Những khái niệm quan trọng về hoạt động nhượng quyền thương mại
Điều 284 của Luật Thương mại 2005 định nghĩa nhượng quyền thương mại là một thỏa thuận thương mại trong đó bên nhượng quyền ủy quyền cho bên nhận quyền tham gia độc lập vào hoạt động mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo những điều kiện nhất định. Bên nhận quyền hoạt động theo phương thức kinh doanh của bên nhượng quyền, kết hợp các yếu tố như nhãn hiệu, tên thương mại, chuyên môn kinh doanh, logo và quảng cáo. Bên nhượng quyền có quyền giám sát và hỗ trợ hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền.
Nghị định 35/2006/ND-CP quy định chi tiết hơn về quyền thương mại trong nhượng quyền thương mại, bao gồm:
- Quyền do bên nhượng quyền cấp cho bên nhận quyền chính.
- Các quyền được bên nhượng quyền thứ cấp cấp phép lại cho bên nhận quyền thứ cấp theo hợp đồng nhượng quyền chính.
- Quyền được cấp theo hợp đồng phát triển quyền thương mại.
Cơ quan quản lý
Bộ Công Thương đóng vai trò là cơ quan quản lý chính giám sát các hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, cung cấp hướng dẫn thực hiện các chính sách và pháp luật về nhượng quyền thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký nhượng quyền thương mại. Bộ Công Thương chấp nhận đơn đăng ký nhượng quyền thương mại từ các đơn vị bao gồm các đơn vị có trụ sở ở nước ngoài, trong khu chế xuất, khu phi thuế quan hoặc khu hải quan riêng.
Ở cấp tỉnh, Sở Công Thương sẽ giám sát các hoạt động nhượng quyền thương mại trong khu vực tương ứng và xử lý các báo cáo từ các doanh nghiệp nhượng quyền Việt Nam đã thiết lập thỏa thuận nhượng quyền thương mại trong nước hoặc quốc tế.
Yêu cầu khi đăng ký nhượng quyền thương mại
Khi đăng ký nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, cần đáp ứng các yêu cầu cụ thể đối với cả hoạt động nhượng quyền thương mại trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp nhượng quyền ở nước ngoài chỉ cần đăng ký nhượng quyền thương mại một lần, với yêu cầu về tài liệu chính bao gồm:
- Mẫu đăng ký nhượng quyền thương mại.
- Tài liệu công bố nhượng quyền thương mại (Franchise Disclosure Document) nêu chi tiết cơ cấu tổ chức của bên nhượng quyền, thông tin nhãn hiệu, nghĩa vụ tài chính, tổng quan về thị trường, hệ thống nhượng quyền thương mại và thỏa thuận nhượng quyền thương mại mẫu.
- Giấy chứng nhận thành lập đối với tổ chức nước ngoài.
- Tài liệu bảo hộ sở hữu trí tuệ nếu muốn chuyển nhượng quyền SHTT.
- Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm trước.
- Văn bản phê duyệt nhượng quyền lại (nếu có).
Bộ Công Thương sẽ đánh giá tài liệu về việc tuân thủ các yêu cầu công bố thông tin, với khung thời gian quy định là 5 ngày làm việc, mặc dù quá trình xử lý đơn đăng ký nhượng quyền trên thực tế có thể mất tới một tháng.
Bên nhượng quyền phải thông báo cho Bộ Công Thương trong vòng 30 ngày về bất kỳ thay đổi nào đối với thông tin đã đăng ký, đặc biệt là những sửa đổi đối với Tài liệu công bố nhượng quyền thương mại. Ngoài ra, bên nhượng quyền phải báo cáo định kỳ về chi phí đầu tư của bên nhận quyền và cung cấp các hợp đồng nhượng quyền mẫu.
Hợp đồng nhượng quyền và chuyển giao công nghệ
Phần chuyển giao công nghệ rất quan trọng hợp đồng nhượng quyền thương mại và phải tuân thủ các quy định của Luật Chuyển giao công nghệ. Cần có thỏa thuận bằng văn bản để thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ, với các yêu cầu đăng ký cụ thể cho các trường hợp khác nhau. Việc tuân thủ các quy định về lợi ích quốc gia, sức khỏe, giá trị văn hóa và môi trường cũng như tuân thủ các thỏa thuận quốc tế là bắt buộc trong hoạt động nhượng quyền thương mại.
Nhượng quyền thương mại tại Việt Nam là một lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng, với hành lang pháp lý toàn diện đảm bảo sự rõ ràng và công bằng cho cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Với việc là một nền kinh tế năng động, kết hợp với nền tảng pháp lý đầy đủ, Việt Nam đang dần trở thành thị trường hấp dẫn với các dự án nhượng quyền thương mại trong nước lẫn quốc tế.
***ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal. xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được hướng dẫn về luật doanh nghiệp, luật lao động, luật sở hữu trí tuệ, luật bất động sản:
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN