Ngày 08 tháng 4 năm 2025, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm hộp nhựa Polypropylene nhập khẩu từ Việt Nam.
Thông tin sơ bộ về vụ việc như sau:
- Sản phẩm bị điều tra: Hộp nhựa Polypropylene, mã HS 3923.10.9000
- Mã vụ việc: A-552-850
- Nguyên đơn: Công ty CoolSeal USA, Công ty Inteplast Group và Công ty SeaCa Plastic Packaging & Technology Container
- Ngày nộp đơn: 17/3/2025
- Ngày khởi xướng điều tra: 08/4/2025
Theo số liệu từ nguyên đơn dựa trên dữ liệu của Hải quan Hoa Kỳ, trong năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 6 triệu USD sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ, chiếm khoảng 19,4% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này vào thị trường Hoa Kỳ. Trung Quốc xuất khẩu gần 13,4 triệu USD, chiếm khoảng 43,3%. Tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc chiếm 62,7% tổng lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra.
Nguyên đơn đã nêu tên 7 công ty Việt Nam bị cáo buộc bán phá giá. DOC đã gửi Bản câu hỏi Lượng và Giá trị (Q&V Questionnaire) với thời hạn trả lời là ngày 21/4/2025. Căn cứ vào kết quả trả lời, DOC sẽ lựa chọn 02 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất để làm bị đơn bắt buộc. Các doanh nghiệp liên quan cần chủ động đăng ký tài khoản tại hệ thống IA ACCESS (https://access.trade.gov/login.aspx) để kịp thời cập nhật thông tin và nộp tài liệu.
Đồng thời, doanh nghiệp cần nộp Đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ trong vòng 21 ngày kể từ ngày khởi xướng để chứng minh hoạt động độc lập, không chịu sự kiểm soát của Chính phủ cả trên phương diện pháp lý và thực tiễn. Thời hạn gửi bình luận về phạm vi sản phẩm bị điều tra là ngày 28/4/2025. Doanh nghiệp có thể đề nghị gia hạn nhưng phải được DOC chấp thuận.
Biên độ bán phá giá sơ bộ bị cáo buộc đối với Việt Nam là 52,07%, cao hơn mức 40,85% do nguyên đơn đề xuất, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với biên độ dành cho Trung Quốc (74,98%–83,64%).
Do Hoa Kỳ xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, DOC dự kiến sử dụng Indonesia làm nước thay thế để tính toán giá trị và chi phí, theo đề xuất từ nguyên đơn. Các bên có 60 ngày để nêu ý kiến về nước thay thế trước khi DOC đưa ra kết luận sơ bộ.
- Thời kỳ điều tra CBPG: 01/7 – 31/12/2024
- Thời kỳ điều tra thiệt hại: 01/01/2022 – 31/12/2024
Quy trình điều tra gồm các bước chính sau:
- Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) có 45 ngày kể từ ngày khởi xướng để đưa ra kết luận sơ bộ về thiệt hại. Nếu ITC kết luận không có thiệt hại, vụ việc sẽ chấm dứt.
- DOC có 140 ngày kể từ ngày khởi xướng để ban hành kết luận sơ bộ về hành vi bán phá giá. Trong trường hợp khẩn cấp (ví dụ: nhập khẩu tăng đột biến sau khi khởi xướng), DOC có thể áp dụng thuế hồi tố tạm thời trong vòng 90 ngày trước ngày công bố kết luận sơ bộ.
- DOC có thêm 75 ngày để ban hành kết luận cuối cùng về bán phá giá.
- ITC có 45 ngày từ ngày ban hành kết luận cuối cùng của DOC để đưa ra kết luận cuối cùng về thiệt hại.
- DOC có 7 ngày tiếp theo để ban hành Lệnh áp thuế CBPG, nếu cả hai cơ quan đều kết luận khẳng định.
(Các mốc thời gian nêu trên có thể được gia hạn theo quy định)
Để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nên tìm hiểu quy định, trình tự điều tra của các vụ việc phòng vệ thương mại và chủ động liên hệ với các công ty luật Việt Nam có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực chống bán phá giá, phòng vệ thương mại để nhận được hỗ trợ kịp thời.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được hướng dẫn về Chống Bán Phá giá Và Phòng Vệ Thương Mại.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN