Hoa Kỳ đang trong quá trình tiến hành xem xét công nhận nền kinh tế thị trường của một số quốc gia, bao gồm Việt Nam.
Ngày 05 tháng 02 năm 2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức khởi xướng cuộc rà soát thay đổi hoàn cảnh để xem xét vấn đề kinh tế thị trường của Armenia.
Được biết, đây là một trong các bước cần thiết để tiến hành đánh giá tình hình kinh tế của Armenia, nhằm phục vụ cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm giấy bạc nhập khẩu từ quốc gia này.
Theo luật định của Hoa Kỳ, một quốc gia được xem là nền kinh tế thị trường phải thỏa mãn 6 tiêu chí quy định tại Mục 771(18)(b) của Đạo luật Thuế quan 1930, bao gồm:
- Mức độ chuyển đổi của đồng tiền;
- Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động;
- Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế;
- Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân;
- Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả;
- Các yếu tố khác.
Một trong những lợi ích lớn nhất của việc được công nhận là nền kinh tế thị trường là khi các quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam, cơ chế tính toán biên độ bán phá giá sẽ có sự ưu đãi nhất định.
Một số nền kinh tế lớn công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường bao gồm Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc,… và mới nhất là Vương quốc Anh.
Khi bị xác định là nền kinh tế phi thị trường, các nguyên tắc tính toán giá trị hàng hóa thông thường sẽ không được sử dụng trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại. Quốc gia điều tra sẽ có thể sử dụng một quốc gia thứ ba với sản phẩm xuất khẩu và nền kinh tế tương tự để tính toán giá trị thông thường của hàng hóa thay vì sử dụng dữ liệu do doanh nghiệp bị điều tra cung cấp. Phương thức này thường sẽ gây bất lợi cho các nhà sản xuất, xuất khẩu từ các nền kinh tế bị xem là phi thị trường.
Hoa Kỳ xem xét công nhận nền kinh tế thị trường của một số quốc gia
Trong vụ việc xem xét công nhận Armenia là nền kinh tế thị trường, Armenia đã tiến hành nộp đơn cho DOC vào ngày 21 tháng 12 năm 2023. Sau thời hạn 45 ngày, DOC đã ban hành quyết định chính thức tiến hành xem xét việc công nhận quốc gia này là nền kinh tế thị trường.
Đây là lần thứ hai Armenia nộp hồ sơ đề nghị DOC xem xét vấn đề kinh tế thị trường cho quốc gia này. Trước đó, ngày 21 tháng 03 năm 2023, Bộ trưởng Kinh tế của Armenia đã có thư gửi Bộ trưởng DOC đề nghị xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường, tuy nhiên chưa đề cập tới lệnh áp thuế chống bán phá giá hay chống trợ cấp đối với một sản phẩm cụ thể.
Chính vì đây chỉ là yêu cầu không liên quan đến một vụ điều tra cụ thể nên DOC đã không ban hành thông báo chấp thuận hoặc từ chối chính thức.
Đối chiếu theo quy định của DOC, Armenia đã tiếp tục gửi thư đề nghị xem xét vào ngày 21 tháng 12 năm 2023 trong khuôn khổ vụ việc chống bán phá giá sản phẩm giấy bạc với mã vụ việc A-831-804.
Thông báo chính thức của DOC về việc khởi xướng vụ việc nói trên được đăng tải lên trang Thông báo Liên bang vào ngày 13 tháng 02 năm 2024. Kể từ ngày công báo, các bên liên quan sẽ có 30 ngày để gửi ý kiến bình luận và 14 ngày tiếp theo để phản biện.
Dự kiến, DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng trong vòng 270 ngày kể từ ngày khởi xướng. Theo đó, nếu quá trình xem xét tiến triển thuận lợi, trong năm 2024 Armenia sẽ có câu trả lời chính thức từ Hoa Kỳ.
Hiện nay có 12 quốc gia đã và đang bị DOC coi là nền kinh tế phi thị trường trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu vào Hoa Kỳ, gồm: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Trung Quốc, Georgia, Kyrgyz, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam (Từ năm 2002, Hoa Kỳ đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường).
Việc Việt Nam được các đối tác thương mại quan trọng như Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường là đặc biệt quan trọng trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại.
Khi được công nhận, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhận được hỗ trợ lớn trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại như điều tra chống trợ cấp, chống bán phá giá, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Để chính thức được duyệt vào quá trình xem xét công nhận nền kinh tế thị trường của Hoa Kỳ, Việt Nam nên nghiên cứu và học hỏi kĩ lưỡng quá trình Armenia nộp đơn đề nghị xem xét vấn đề kinh tế thị trường và áp dụng theo.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal. xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được hướng dẫn về Chống Bán Phá giá Và Phòng Vệ Thương Mại.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN