Hồ Sơ Tập Trung Kinh Tế Những lưu ý cần chuẩn bị

Hồ sơ tập trung kinh tế: những lưu ý cần chuẩn bị

Tập trung kinh tế có thể hiểu gồm các hình thức sau đây: Mua lại doanh nghiệp, sáp nhập doanh nghiệp, liên doanh giữa các doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp. Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Khi chuẩn bị hồ sơ tập trung kinh tế thì cần phải lưu ý những điều dưới đây:

1. Xác định yếu tố kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp để xác định tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 35/2020/NĐ-CP, kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp khác là khi thuộc một trong các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Doanh nghiệp mua lại giành được quyền sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp bị mua lại;

Trường hợp 2: Doanh nghiệp mua lại giành được quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng trên 50% tài sản của doanh nghiệp bị mua lại trong toàn bộ hoặc một ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại đó;

Trường hợp 3: Doanh nghiệp mua lại có một trong các quyền sau:

– Trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp bị mua lại;

– Quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp bị mua lại;

– Quyết định các vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại bao gồm việc lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; lựa chọn điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp đó.

2. Phương pháp xác định thị trường liên quan

Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Cạnh tranh, thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan.

Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.

Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.

Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan:

Bước 1: Xuất phát từ ngành nghề kinh doanh và các sản phẩm, dịch vụ cụ thể của từng doanh nghiệp tham gia TTKT (focal product), xác định từng chủng loại sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia TTKT.

Bước 2: Phân loại các sản phẩm kinh doanh theo nhóm:

– Nhóm sản phẩm trùng lắp

– Nhóm sản phẩm là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau

Các sản phẩm không trùng lắp nhau nhưng là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau cũng được xác định là thị trường liên quan đến đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể hoặc đánh giá tác động tích cực của giao dịch theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

Bước 3: Xác định khả năng thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả

Trong đó, lưu ý xem xét tính thay thế về giá của sản phẩm trong trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ có sự chênh lệch nhau trên 5% để xác định yếu tố người tiêu dùng có chuyển từ sản phẩm này sang một sản phẩm khác hay không (phương pháp SNNIP test).

Ví dụ: Giả sử nâng giá sản phẩm A lên trên 10%, nếu có ít hơn 35% trong số 1.000 người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan chuyển sang sản phẩm B thì phân định thị trường sản phẩm chỉ là sản phẩm A. Nếu nhiều người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm B (trên 35%) thì toàn bộ A và B được phân định là một phạm vi sản phẩm.

3. Đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của giao dịch tập trung kinh tế

Bước 1: Đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của tập trung kinh tế căn cứ vào một trong các yếu tố hoặc kết hợp giữa các yếu tố sau:

(i) Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan;

(ii) Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung kinh tế;

Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung được đánh giá để xác định nguy cơ tạo ra hoặc củng cố sức mạnh thị trường của doanh nghiệp, khả năng gia tăng phối hợp, thông đồng giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan.

(iii) Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau;

Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau được đánh giá để xác định khả năng các bên sau tập trung kinh tế tạo ra ưu thế cạnh tranh vượt trội so với các doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh khác nhằm ngăn cản hoặc loại bỏ cạnh tranh gia nhập thị trường.

Bước 2: Sau khi xác định 03 yếu tố đầu tiên, đánh giá tập trung kinh tế thuộc “ngưỡng an toàn” hay không thuộc ngưỡng an toàn theo một trong các trường hợp sau:

– Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế ít hơn 20% trên thị trường liên quan;

– Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan và tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp sau tập trung kinh tế trên thị trường liên quan thấp hơn 1.800;

– Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan, tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp sau tập trung kinh tế trên thị trường liên quan trên 1.800 và biên độ tăng tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp trên thị trường liên quan trước và sau tập trung kinh tế thấp hơn 100;

– Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có quan hệ với nhau trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau có thị phần thấp hơn 20% trên từng thị trường liên quan.

Bước 3: Các thị trường liên quan không thuộc một trong các trường hợp nêu trên tiếp tục được đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể theo các tiêu chí sau đây:

(i) Lợi thế cạnh tranh do tập trung kinh tế mang lại trên thị trường liên quan;

Lợi thế cạnh tranh do tập trung kinh tế mang lại trên thị trường liên quan được xem xét tổng thể dựa trên các ưu thế về đặc tính sản phẩm, chuỗi sản xuất, phân phối, năng lực tài chính, thương hiệu, công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ và các ưu thế khác của doanh nghiệp sau tập trung kinh tế trong quan hệ với đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan, dẫn tới nguy cơ tạo ra hoặc củng cố sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế.

(ii) Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế tăng giá hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu một cách đáng kể;

Khả năng doanh nghiệp tăng giá hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận trên thu sau tập trung kinh tế được đánh giá căn cứ vào một hoặc một số yếu tố sau đây:

a) Thay đổi dự kiến về cầu trước khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế tăng giá, thay đổi sản lượng hoặc điều kiện giao dịch của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường liên quan;

b) Thay đổi dự kiến về cung của các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan trước khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế tăng giá, thay đổi sản lượng hoặc điều kiện giao dịch của hàng hóa, dịch vụ;

c) Thay đổi dự kiến về giá, sản lượng, điều kiện giao dịch của doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ là các yếu tố đầu vào cho các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;

d) Điều kiện và nguy cơ các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trên thị trường gia tăng phối hợp hoặc thỏa thuận nhằm tăng giá bán hoặc tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu;

đ) Các yếu tố khác có ảnh hưởng đến khả năng tăng giá hoặc tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của doanh nghiệp sau tập trung kinh tế.

(iii) Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập hoặc mở rộng thị trường;

a) Mức độ kiểm soát yếu tố đầu vào cho sản xuất, kinh doanh trước và sau tập trung kinh tế;

b) Đặc điểm cạnh tranh trong ngành, lĩnh vực và hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trọng giai đoạn trước tập trung kinh tế;

c) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường quy định tại Điều 8 Nghị định này;

d) Các yếu tố khác dẫn đến khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập hoặc mở rộng thị trường.

(iv) Yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.

Yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế được xem xét khi yếu tố đó trực tiếp ảnh hưởng hoặc thay đổi đáng kể kết quả đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh và khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh của tập trung kinh tế.

Tóm lại:

– Giao dịch có thị trường sản phẩm liên quan trùng lắp (tập trung kinh tế theo chiều ngang) thì cần đánh giá toàn bộ các tiêu chí nêu trên.

– Giao dịch có sản phẩm, dịch vụ là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau (tập trung kinh tế theo chiều dọc): không cần đánh giá tiêu chí thị phần kết hợp và tiêu chí mức độ tập trung. Chỉ đánh giá tiêu chí thị phần trên từng thị trường liên quan và mối quan hệ giữa các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế với nhau.

Hồ Sơ Tập Trung Kinh Tế Những lưu ý cần chuẩn bị
Hồ Sơ Tập Trung Kinh Tế Những lưu ý cần chuẩn bị

4. Đánh giá tác động tích cực của giao dịch tập trung kinh tế

Đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế căn cứ vào một trong các yếu tố hoặc kết hợp giữa các yếu tố như sau:

(i). Tác động tích cực đến phát triển của ngành, lĩnh vực và khoa học, công nghệ theo chiến lược, quy hoạch của Nhà nước được đánh giá dựa trên khía cạnh như sau:

a) Khả năng phát huy hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, nguồn lực của địa phương, ngành nghề, lĩnh vực và xã hội do việc tập trung kinh tế có thể mang lại phù hợp với mục tiêu đề ra trong các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đã được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Mức độ ứng dụng tiến bộ khoa học, cải tiến công nghệ của doanh nghiệp sau tập trung kinh tế để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hoặc phục vụ các lợi ích của người tiêu dùng và cộng đồng.

(ii). Tác động tích cực đến việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem xét dựa trên việc đánh giá các cơ hội và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi gia nhập, mở rộng thị trường hoặc tham gia vào chuỗi sản xuất, mạng lưới phân phối hàng hóa, dịch vụ do tập trung kinh tế dự kiến mang lại.

(iii). Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế được đánh giá dựa trên hệ quả tích cực của tập trung kinh tế nhờ mở rộng quy mô sản xuất, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp sau tập trung kinh tế.

Để biết thêm chi tiết, liên hệ: Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế – Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương. Điện thoại: 024. 222. 05. 002 (Máy lẻ: 1056/ 1058).

(Nguồn: Phòng kiểm soát tập trung kinh tế, Cục CT&BVNTD)

ASL LAW cung cấp dịch vụ pháp lý đầy đủ về liên quan đến tập trung kinh tế. Mọi thắc mắc Quý khách hàng có thể gửi qua thông tin dưới đây:

    LIÊN HỆ

    Thông tin liên hệ

    Đặt câu hỏi


    Lưu ý: Quý khách vui lòng điền đẩy đủ thông tin vào ô có (*)

    ***Dịch Vụ pháp lý khác của Công ty luật ASL LAW*****

    Dịch vụ pháp lý thuê ngoài cho doanh nghiệp và Startup Đăng ký nhãn hiệu quốc tế
    Tư vấn đầu tư ra nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam Đăng ký sáng chế
    Tư vấn đầu tư tại Việt Nam cho doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tai Việt Nam Tư vấn Mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A)
    Mở công ty tại Việt Nam Tư vấn tài Chính – Ngân hàng
    Mở văn phòng đại diện tại Việt Nam Dịch vụ Soạn thảo hợp đồng
    Dịch vụ sở hữu trí tuệ Pháp lý về lao động và việc làm
    Đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam Tư vấn giải quyết tranh chấp
    Đăng ký bản quyền Tư vấn nhượng quyền thương mại
    Contact Me on Zalo
    +84982682122
    WhatsApp chat