Ngày 22 tháng 4 năm 2025, Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng dây thép carbon và hợp kim thép nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, với mã vụ việc SW 2025 IN.
Các sản phẩm bị điều tra chủ yếu thuộc các mã HS 7217.10, 7217.20, 7217.30, 7217.90, 7229.20 và 7229.90. Vụ việc này được khởi xướng dựa trên đơn kiện của hai doanh nghiệp Canada là Sivaco Wire Group 2004, L.P. và ArcelorMittal Long Products Canada G.P., với ngày nhận đơn là ngày 26 tháng 02 năm 2025.
Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá kéo dài từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024. Theo số liệu từ Trademap, trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm liên quan của Việt Nam sang Canada lần lượt đạt 1,6 triệu USD, 543 nghìn USD và 860 nghìn USD.
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày khởi xướng, CBSA sẽ ban hành Bản tuyên bố lý do, dự kiến vào ngày 7 tháng 5 năm 2025, để cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ việc điều tra. Kết luận sơ bộ của CBSA sẽ được ban hành trong vòng 90 ngày kể từ ngày khởi xướng, dự kiến vào ngày 21 tháng 7 năm 2025.
Trong giai đoạn này, Canada có thể áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với các sản phẩm bị điều tra. Đồng thời, Tòa án Thương mại quốc tế Canada (CITT) sẽ tiến hành điều tra về thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa và đưa ra kết luận sơ bộ trong vòng 60 ngày kể từ ngày khởi xướng, dự kiến vào ngày 21 tháng 6 năm 2025. Nếu CITT kết luận rằng ngành công nghiệp nội địa không chịu thiệt hại đáng kể, vụ điều tra sẽ bị chấm dứt ngay tại thời điểm đó.
Để phục vụ cho quá trình điều tra, CBSA đã gửi Yêu cầu cung cấp thông tin (Request for Information – RFI) tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mà cơ quan này xác định có thể là nhà sản xuất hoặc xuất khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra.
Thông qua RFI, CBSA yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin chi tiết về doanh số bán hàng, chi phí và cấu trúc giá liên quan đến các lô hàng xuất khẩu sang Canada trong thời kỳ điều tra, đồng thời yêu cầu cung cấp số liệu liên quan đến hoạt động bán hàng nội địa và chi phí sản xuất hàng hóa tương tự trong cùng thời gian này nhằm xác định “giá trị thông thường”. Hạn chót để các doanh nghiệp trả lời RFI là trước 5 giờ chiều (giờ miền Đông Canada) ngày 29 tháng 5 năm 2025.
Để ứng phó hiệu quả với vụ việc, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan cần theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ việc; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra chống bán phá giá của Canada và xây dựng chiến lược kháng kiện phù hợp; đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin, hợp tác tích cực với cơ quan điều tra Canada trong toàn bộ quá trình điều tra, bởi bất kỳ hành động không hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ nào đều có thể dẫn đến việc Canada sử dụng dữ liệu sẵn có bất lợi hoặc áp thuế chống bán phá giá ở mức cao nhất đối với doanh nghiệp.
Để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nên tìm hiểu quy định, trình tự điều tra của các vụ việc phòng vệ thương mại và chủ động liên hệ với các công ty luật Việt Nam có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực chống bán phá giá, phòng vệ thương mại để nhận được hỗ trợ kịp thời.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được hướng dẫn về Chống Bán Phá giá Và Phòng Vệ Thương Mại.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN