Ngày 18 tháng 3 năm 2025, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã ban hành kết luận sơ bộ trong cuộc điều tra tự vệ đối với mặt hàng thép cán phẳng hợp kim và không hợp kim (Non-alloy and alloy steel flat products) nhập khẩu vào Ấn Độ.
Tiếp theo đó, ngày 21 tháng 4 năm 2025, dựa trên đề xuất của DGTR, Cục Thuế thuộc Bộ Tài chính Ấn Độ đã ban hành Quyết định số 01/2025-Hải quan (SG) về việc áp dụng thuế tự vệ tạm thời đối với các sản phẩm thép cán phẳng hợp kim và không hợp kim nhập khẩu.
Quyết định này phản ánh đúng nội dung đề xuất trong kết luận sơ bộ của DGTR, theo đó cơ quan điều tra xác định rằng lượng thép nhập khẩu tăng đột biến với số lượng đáng kể đã gây thiệt hại nghiêm trọng và có nguy cơ tiếp tục gây tổn hại cho ngành sản xuất trong nước. DGTR nhấn mạnh rằng sự chậm trễ trong việc áp dụng biện pháp tự vệ có thể dẫn đến những thiệt hại khó khắc phục, do đó việc áp thuế tự vệ tạm thời là cần thiết để bảo vệ sản xuất nội địa.
Theo quyết định, mức thuế tự vệ tạm thời được áp dụng ở mức 12% đối với các mặt hàng thuộc mã HS 7208, 7209, 7210, 7211, 7212, 7225 và 7226. Các sản phẩm chịu thuế bao gồm thép cuộn, tấm và bản cán nóng; tấm thép cán nóng dạng tấm lớn; thép cuộn và tấm cán nguội; thép cuộn và tấm phủ kim loại (bao gồm mạ kẽm, nhôm-kẽm, kẽm-nhôm-magiê) cũng như thép cuộn và tấm phủ màu.
Tuy nhiên, thuế tự vệ sẽ không được áp dụng nếu giá nhập khẩu (giá CIF) đạt hoặc vượt qua các ngưỡng cụ thể như: 675 USD/tấn đối với thép cuộn cán nóng; 695 USD/tấn đối với thép tấm cán nóng; 824 USD/tấn đối với thép mạ phủ; 861 USD/tấn đối với thép cuộn hoặc tấm phủ kim loại; và 964 USD/tấn đối với thép cuộn và tấm phủ màu, có hoặc không có định hình.
Ngoài ra, quyết định cũng loại trừ việc áp thuế tự vệ đối với một số loại thép chuyên dụng như thép điện định hướng, thép không gỉ, thép mạ điện, thép phủ cao su, hợp kim niken và các sản phẩm khác (danh sách chi tiết được nêu trong thông báo đính kèm). Thuế tự vệ cũng không áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển, trừ Trung Quốc và Việt Nam, do hai quốc gia này có thị phần nhập khẩu vượt ngưỡng tối thiểu quy định.
Biện pháp tự vệ tạm thời này sẽ có hiệu lực trong 200 ngày kể từ ngày 21 tháng 4 năm 2025, trừ trường hợp bị bác bỏ hoặc sửa đổi, và thuế sẽ được thu bằng đồng Rupee Ấn Độ.
Để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nên tìm hiểu quy định, trình tự điều tra của các vụ việc phòng vệ thương mại và chủ động liên hệ với các công ty luật Việt Nam có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực chống bán phá giá, phòng vệ thương mại để nhận được hỗ trợ kịp thời.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được hướng dẫn về Chống Bán Phá giá Và Phòng Vệ Thương Mại.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN