Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ của Brazil mới đây đã ban hành thông báo về việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm nhựa polyethylene terephthalate (PET) có độ nhớt nội tại từ 0,78 đến 0,88 dl/g, thường được phân loại trong mục phụ 3907.61.00 của Biểu thuế Chung Mercosul (NCM), xuất xứ từ Malaysia và Việt Nam, do nghi ngờ có hành vi bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Cuộc điều tra được khởi xướng dựa trên các bằng chứng được trình bày trong các hồ sơ SEI số 19972.002457/2024-75 (bản hạn chế) và 19972.002456/2024-21 (bản bảo mật), cũng như ý kiến số 777, ngày 01/04/2025, từ Bộ phận Phòng vệ Thương mại (DECOM) thuộc Văn phòng Thương mại Đối ngoại SECEX. Các bằng chứng cho thấy có dấu hiệu bán phá giá trong xuất khẩu nhựa PET từ Malaysia và Việt Nam sang Brazil, đồng thời gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nhựa PET trong nước.
Sản phẩm điều tra là nhựa polyethylene terephthalate (PET) hoặc poli(tereftalat etylen), với độ nhớt nội tại từ 0,78 đến 0,88 dl/g, thường được sử dụng để sản xuất các loại bao bì như chai nhựa, hộp đựng thực phẩm và đồ uống. Sản phẩm này được phân loại trong mục phụ 3907.61.00 của NCM.
Thời gian điều tra gồm:
- Thời gian phân tích dấu hiệu bán phá giá: Từ tháng 7 năm 2023 đến tháng 6 năm 2024.
- Thời gian phân tích thiệt hại: Từ tháng 7 năm 2019 đến tháng 6 năm 2024.
Trong thời gian tới, Bộ phận Phòng vệ Thương mại của Brazil sẽ gửi bảng câu hỏi đến các nhà sản xuất/xuất khẩu, nhà nhập khẩu, và các nhà sản xuất trong nước đã được xác định. Các bên có 30 ngày để trả lời, tính từ ngày nhận được thông báo (hoặc 7 ngày đối với nhà xuất khẩu nước ngoài, theo Thỏa thuận Antidumping GATT 1994). Các câu trả lời nộp đúng hạn sẽ được sử dụng để đưa ra quyết định ban đầu về việc áp dụng biện pháp tạm thời.
Việc khởi xướng điều tra này không có nghĩa là đã có kết luận cuối cùng về hành vi bán phá giá hoặc thiệt hại của doanh nghiệp Việt Nam và Malaysia. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi hoàn tất quá trình điều tra, dựa trên bằng chứng và sự tham gia của các bên liên quan. Chính vì vậy mà việc chủ động, tích cực tham gia quá trình điều tra sẽ giúp các doanh nghiệp nhận được được kết quả tốt hơn thay vì tránh né, từ chối tham gia trả lời bản câu hỏi hoặc hợp tác với cơ quan điều tra.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nhựa và các sản phẩm từ nhựa lớn trên thế giới. Trong năm 2022 và 2023, xuất khẩu nhựa và sản phẩm nhựa của Việt Nam đạt giá trị lớn, chủ yếu tập trung vào các thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, và các nước châu Á khác. Giá trị xuất khẩu nhựa của Việt Nam trong năm 2023 được ước tính khoảng 7,3 tỷ USD
Xuất khẩu nhựa của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (YoY) lên đến 10-15% trong một số năm, nhờ vào chi phí lao động thấp, vị trí địa lý gần Trung Quốc, và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nên tìm hiểu quy định, trình tự điều tra của các vụ việc phòng vệ thương mại và chủ động liên hệ với các công ty luật Việt Nam có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực chống bán phá giá, phòng vệ thương mại để nhận được hỗ trợ kịp thời.
Tải thông tin tại đây.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được hướng dẫn về Chống Bán Phá giá Và Phòng Vệ Thương Mại.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN