Ngày 18 tháng 3 năm 2025, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã ban hành Kết luận sơ bộ điều tra tự vệ đối với mặt hàng thép cán phẳng hợp kim và không hợp kim nhập khẩu vào Ấn Độ.
Thông tin về vụ việc
Vụ điều tra được khởi xướng theo đơn đề nghị của Hiệp hội Thép Ấn Độ, đại diện cho các doanh nghiệp thép lớn như Arcelor Mittal Nippon Steel, AMNS Khopoli, Jindal Steel and Power, Steel Authority of India…
- Sản phẩm bị điều tra: Thép hợp kim hoặc không hợp kim cán phẳng thuộc các mã HS: 7208, 7209, 7210, 7211, 7212, 7225, 7226. Phạm vi điều tra bao gồm thép cán nóng, thép cán nguội, thép phủ kim loại chống ăn mòn (thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ hợp kim kẽm – magie) và thép phủ màu.
- Sản phẩm loại trừ: Thép điện định hướng hạt cán nguội, thép cuộn/tấm không định hướng hạt cán nguội, thép mạ điện, thép lá mạ thiếc, thép không gỉ.
- Thời kỳ điều tra: 01/10/2023 – 30/9/2024. DGTR cũng xem xét số liệu từ 01/4/2021 đến 31/3/2024.
Cáo buộc của nguyên đơn
Nguyên đơn cho rằng sản phẩm bị điều tra nhập khẩu vào Ấn Độ với khối lượng gia tăng nhanh, mạnh và đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa. Các yếu tố diễn tiến không lường trước được dẫn đến gia tăng nhập khẩu bao gồm:
- Việc Hoa Kỳ áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại.
- Sự dư thừa công suất sản xuất thép đáng kể tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
- Chính sách chuyển đổi sản xuất của Trung Quốc từ thép dài sang thép cán phẳng để xuất khẩu.
- Đầu tư sản xuất thép của Trung Quốc vào các nước ASEAN.
- Các nghĩa vụ của Ấn Độ theo GATT 1994 và các hiệp định liên quan.
Nguyên đơn đề nghị áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời do tồn tại tình trạng khẩn cấp và áp dụng biện pháp tự vệ trong thời gian 4 năm.
Kết luận sơ bộ
DGTR sơ bộ kết luận rằng:
- Có sự gia tăng đột biến nhập khẩu sản phẩm bị điều tra vào Ấn Độ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa.
- Tồn tại tình trạng khẩn cấp, nếu không áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời sẽ gây thiệt hại khó khắc phục.
- Cần thiết phải áp dụng ngay lập tức biện pháp tự vệ tạm thời.
DGTR đề xuất áp dụng thuế tự vệ tạm thời 12% trong 200 ngày đối với sản phẩm bị điều tra. Tuy nhiên, thuế này không áp dụng cho các sản phẩm có giá nhập khẩu bằng hoặc cao hơn mức giá CIF tối thiểu theo danh mục của DGTR.
Việt Nam không được miễn trừ khỏi biện pháp tự vệ do có thị phần nhập khẩu đáng kể vào Ấn Độ (trên 3%). DGTR cũng cho phép các bên liên quan gửi bình luận về phạm vi sản phẩm bị điều tra trong vòng 30 ngày (muộn nhất là ngày 16/4/2025). Trước khi ban hành Kết luận cuối cùng, DGTR sẽ tổ chức phiên điều trần và có thể thẩm tra thông tin nếu cần.
Khuyến nghị đối với doanh nghiệp Việt Nam
- Nghiên cứu kỹ Kết luận sơ bộ và phạm vi sản phẩm, gửi ý kiến bình luận theo thời hạn quy định.
- Theo dõi thông tin từ DGTR hoặc Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) để đăng ký tham dự phiên điều trần.
- Hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra trong giai đoạn cuối cùng.
- Phối hợp chặt chẽ với Cục PVTM để nhận hỗ trợ kịp thời.
Để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nên tìm hiểu quy định, trình tự điều tra của các vụ việc phòng vệ thương mại và chủ động liên hệ với các công ty luật Việt Nam có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực chống bán phá giá, phòng vệ thương mại để nhận được hỗ trợ kịp thời.
Xem thông báo tại đây.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được hướng dẫn về Chống Bán Phá giá Và Phòng Vệ Thương Mại.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN