Trong bối cảnh kinh tế và thương mại ngày càng phát triển, tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dân sự cũng trở nên phổ biến hơn. Trọng tài thương mại đã nổi lên như một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả nhờ vào tính bảo mật, linh hoạt và khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của các bên.
Tuy nhiên, để phương thức này thực sự phát huy hiệu quả, thỏa thuận trọng tài – nền tảng pháp lý quyết định thẩm quyền của trọng tài – cần được soạn thảo cẩn thận và đầy đủ.
Lưu ý về nội dung thỏa thuận trọng tài
Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010 số 54/2010/QH12 (“Luật Trọng tài thương mại 2010”) quy định về hình thức thỏa thuận trọng tài cho phép thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.
Việc cho phép các bên tự quyết định với nhau về hình thức thỏa thuận trọng tài tương đồng với xu hướng quốc tế khi cho phép các bên tự thỏa thuận với nhau về phương thức giải quyết tranh chấp đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra trong tương lai.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định thỏa thuận trọng tài phải được lập bằng văn bản. Điều này có thể được thể hiện qua hợp đồng chính, các phụ lục đính kèm, hoặc qua thư từ điện tử giữa các bên. Nội dung của thỏa thuận cần đảm bảo rõ ràng và chính xác, bao gồm việc xác định thẩm quyền trọng tài, trung tâm trọng tài được lựa chọn, luật áp dụng, ngôn ngữ, và địa điểm tổ chức trọng tài.
Những điều khoản thiếu rõ ràng hoặc mâu thuẫn có thể dẫn đến việc thỏa thuận bị tuyên vô hiệu, khiến tranh chấp phải chuyển sang giải quyết tại tòa án, làm mất thời gian và gia tăng chi phí cho các bên.
Thêm vào đó, các bên cần tránh các điều khoản mẫu hoặc thiếu cụ thể, mang tính chung chung như “giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài hoặc tòa án” vì điều này không chỉ gây nhầm lẫn mà còn làm mất đi tính ràng buộc pháp lý của thỏa thuận trọng tài.
Bên cạnh đó, một số thỏa thuận trao quyền yêu cầu trọng tài cho chỉ một bên (thỏa thuận đơn phương) có thể bị coi là vi phạm nguyên tắc bình đẳng, dẫn đến nguy cơ bị tuyên vô hiệu nếu được chứng minh là có dấu hiệu lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010.
Do vậy, sự minh bạch và hợp pháp là yếu tố then chốt trong việc xây dựng một thỏa thuận trọng tài hiệu quả.
Thỏa thuận trọng tài không chỉ cần tuân thủ các quy định pháp luật mà còn phải phù hợp với thực tế hoạt động của các bên. Việc tham khảo ý kiến từ các chuyên gia pháp lý là điều cần thiết để đảm bảo rằng thỏa thuận không chỉ hợp lệ về mặt hình thức mà còn có khả năng bảo vệ lợi ích của các bên trong trường hợp tranh chấp xảy ra. Chỉ khi được xây dựng và soạn thảo cẩn thận, thỏa thuận trọng tài mới thực sự trở thành công cụ pháp lý hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp một cách công bằng và minh bạch.
Hình thức của thỏa thuận trọng tài
Hình thức của thỏa thuận trọng tài là yếu tố cơ bản đầu tiên cần đảm bảo, với yêu cầu phải được lập bằng văn bản mà không được thể hiện qua các hình thức khác như truyền miệng, hiệp ước không có bằng chứng, được công nhận, chứng nhận.
Điều này bao gồm không chỉ các hợp đồng chính thức mà còn các hình thức trao đổi bằng văn bản khác như email hoặc fax, miễn là thể hiện được sự đồng thuận của các bên. Quy định này nhằm loại bỏ các tranh chấp liên quan đến việc chứng minh ý chí của các bên về việc lựa chọn trọng tài.
Khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010 liệt kê 5 hình thức thỏa thuận bằng văn bản được chấp thuận tại Việt Nam, gồm: “a) Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật; b) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên; c) Thỏa thuận được Luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên; d) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác; e) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.”
Nội dung cơ bản của thỏa thuận trọng tài
Để đảm bảo hiệu lực pháp lý và tính khả thi, thỏa thuận phải xác định rõ ràng phạm vi thẩm quyền của trọng tài. Điều này nghĩa là các bên cần quy định cụ thể loại tranh chấp nào sẽ được đưa ra giải quyết thông qua trọng tài, tránh những quy định mang tính chung hoặc không rõ ràng.
Bên cạnh đó, tổ chức trọng tài được lựa chọn cũng cần được ghi rõ, chẳng hạn như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) hoặc một tổ chức quốc tế như CIETAC, SIAC thay vì chung chung là hòa giải tại Việt Nam, theo luật pháp Việt Nam hoặc luật pháp Singapore.
Điều này không chỉ giúp tránh sự mâu thuẫn về quyền tài phán mà còn tạo điều kiện để các bên nhanh chóng triển khai các thủ tục khi xảy ra tranh chấp. Luật áp dụng là một yếu tố không thể thiếu, đặc biệt khi hợp đồng có yếu tố quốc tế và hợp đồng hợp tác song phương, đa phương là hợp đồng xuyên biên giới, trên lãnh thổ của nhiều quốc gia.
Điển hình, các doanh nghiệp phương Tây ở Châu Âu và Hoa Kỳ thường ký hợp đồng sản xuất với các doanh nghiệp nhân lực giá rẻ tại Trung Quốc và các nước Châu Á, Đông Nam Á như Việt Nam thì khi đó, hợp đồng cần ghi rõ nếu có các loại tranh chấp phát sinh thì giải quyết theo luật lệ quốc gia nào, cụ thể hơn nữa là tại Trung tâm Trọng tài nào, nếu trung tâm trọng tài đó vì lí do nào đó không thể đứng ra giải quyết, hoặc không đủ thẩm quyền giải quyết thì cần có điều khoản chuyển trung tâm trọng tài hay chuyển đổi về Tòa án,…
Các bên có thể lựa chọn pháp luật Việt Nam hoặc luật của một quốc gia khác, nhưng cần đảm bảo sự nhất quán và phù hợp với thực tiễn kinh doanh. Ngôn ngữ sử dụng trong quá trình trọng tài và địa điểm tổ chức trọng tài cũng cần được quy định rõ để tránh những hiểu lầm không đáng có, đặc biệt đối với các quốc gia có hai hệ thống chữ viết, ngôn ngữ khác nhau.
Các điều khoản mẫu cần tránh
Một trong những lỗi phổ biến nhất có thể mắc phải khi soạn thảo nội dung thỏa thuận giải quyết tranh chấp qua trọng tài là sử dụng các điều khoản không rõ ràng hoặc mâu thuẫn, chẳng hạn như ghi “giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài hoặc tòa án” mà không có sự phân định rõ ràng.
Những điều khoản như vậy không thể hiện được ý chí ràng buộc giữa các bên, dẫn đến nguy cơ thỏa thuận bị tuyên vô hiệu. Việc này không chỉ làm mất thời gian mà còn gây thiệt hại tài chính cho các bên liên quan. Hơn nữa, các điều khoản vi phạm pháp luật hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản như bình đẳng và tự do ý chí cũng cần được tránh.
Ví dụ, các điều khoản đơn phương trao quyền khởi kiện trọng tài chỉ cho một bên thường bị coi là không công bằng và có thể bị tuyên vô hiệu theo pháp luật Việt Nam. Để tránh những sai lầm này, các bên nên tham khảo các mẫu thỏa thuận trọng tài tiêu chuẩn từ các tổ chức trọng tài uy tín, đồng thời nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia pháp lý để đảm bảo thỏa thuận không chỉ hợp lệ mà còn bảo vệ được lợi ích tốt nhất cho các bên.
Hiệu lực pháp lý của thỏa thuận trọng tài
Điều kiện để thỏa thuận trọng tài có hiệu lực là nội dung cơ bản trong việc đảm bảo giá trị pháp lý và khả năng thực thi của thỏa thuận trọng tài. Theo quy định pháp luật Việt Nam, thỏa thuận trọng tài phải tuân thủ các điều kiện nhất định, bao gồm tính hợp pháp và không vi phạm các điều cấm của pháp luật.
Nếu vi phạm điều cấm của pháp luật, thỏa thuận trọng tài có thể bị tuyên vô hiệu theo quy định tại khoản 6 Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010.
Điều này có nghĩa rằng thỏa thuận không được chứa đựng các điều khoản trái với đạo đức xã hội hoặc làm phương hại đến quyền lợi công cộng. Ngoài ra, các bên tham gia ký kết thỏa thuận phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Ví dụ, nếu một trong các bên là người chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự mà không có sự đại diện hợp pháp, thì thỏa thuận trọng tài sẽ bị coi là vô hiệu theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010.
Những yêu cầu này không chỉ đảm bảo tính hợp pháp của thỏa thuận mà còn bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia, tránh các tranh cãi không cần thiết về sau.
Trong trường hợp thỏa thuận trọng tài bị tuyên vô hiệu theo một trong các điều khoản tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010, Hội đồng trọng tài sẽ ra quyết định đình chỉ việc giải quyết và thông báo ngay cho các bên liên quan biết căn cứ theo quy trình tại khoản 1 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại 2010.
Sau đó, nếu không có thoả thuận khác, các bên có quyền khởi kiện vụ tranh chấp ra Toà án. Theo quy định tại khoản 6 Điều 44 Luật Trọng tài thương mại 2010, thời hiệu khởi kiện ra Toà án được xác định theo quy định của pháp luật. Thời gian từ ngày nguyên đơn khởi kiện tại Trọng tài đến ngày Toà án ra quyết định thụ lý giải quyết tranh chấp không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Việc chuyển cơ quan giải quyết vụ việc từ Trọng tài ra Tòa án thường gây ra hậu quả không mong muốn, chẳng hạn như kéo dài thời gian giải quyết, phát sinh chi phí, và làm mất đi tính bảo mật vốn là lợi thế của trọng tài.
Do đó, việc nắm rõ các điều kiện hiệu lực và tuân thủ chặt chẽ khi soạn thảo thỏa thuận là điều kiện tiên quyết để tránh những rủi ro pháp lý không đáng có.
Tạm kết
Mặc dù Luật Trọng tài Thương mại 2010 đã thiết lập một cơ sở pháp lý vững chắc để hỗ trợ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, nhưng sau 14 năm áp dụng, xã hội Việt Nam đã phát sinh nhiều vấn đề pháp lý mới mà luật chưa quy định cụ thể hoặc chưa đưa ra phương án giải quyết chi tiết.
Những hạn chế này có thể làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi lựa chọn phương thức trọng tài. Do đó, Quốc hội Việt Nam cần sớm xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài Thương mại trong thời gian tới để phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo rằng các tranh chấp thương mại phát sinh được giải quyết một cách hiệu quả và công bằng.
Trong thời gian chờ đợi việc sửa đổi luật, Chính phủ cần nghiên cứu và ban hành các quy định bổ sung thông qua nghị định hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài Thương mại. Những quy định này không chỉ giúp giải quyết các vấn đề cấp bách mà còn góp phần hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo sự đồng bộ và khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn.
Đây là giải pháp cần thiết nhằm tăng cường niềm tin của các bên vào phương thức trọng tài, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của môi trường pháp lý Việt Nam.
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn về tranh tụng và giải quyết tranh chấp.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn pháp lý chuyên sâu tại Việt Nam và quốc tế.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN