Trong thế giới thương mại hiện đại, nhãn hiệu không chỉ còn giới hạn ở hình ảnh, màu sắc, hoặc tên gọi mà đã mở rộng sang nhiều hình thức khác, trong đó nhãn hiệu âm thanh ngày càng được sử dụng để tạo dấu ấn riêng cho thương hiệu.
Những âm thanh đặc trưng như giai điệu của Nokia, âm thanh khởi động của Windows, hay âm nhạc nền của Intel, tiếng đồng hồ của chương trình 60 phút,… đã trở thành phương tiện để các thương hiệu truyền tải thông điệp một cách tinh tế và ấn tượng.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh lại đang đối diện với nhiều thách thức lớn. Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, quy trình thẩm định phức tạp và ý thức của người tiêu dùng về nhãn hiệu âm thanh còn hạn chế đã tạo nên nhiều rào cản đối với doanh nghiệp.
Bài viết này sẽ phân tích những khó khăn đó, từ đó làm rõ nhu cầu cấp thiết về việc cải thiện khung pháp lý và nâng cao nhận thức trong bối cảnh thương mại toàn cầu.
Tình hình đăng ký nhãn hiệu phi truyền thống trên thế giới và tại Việt Nam
Trên thế giới, nhãn hiệu âm thanh đã được công nhận và bảo hộ tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản – nơi hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ đã hoàn thiện. Không chỉ nhãn hiệu âm thanh, các loại nhãn hiệu phi truyền thống khác như màu sắc, mùi hương, vị, cử chỉ, điệu bộ cũng đã dần được bảo hộ tại nhiều quốc gia.
Việc bảo hộ các nhãn hiệu phi truyền thống luôn tồn tại nhiều khó khăn. Điển hình, để bảo hộ nhãn hiệu màu sắc, người đăng ký phải chứng minh rằng màu sắc này đã đạt được “secondary meaning” – nghĩa là khi người tiêu dùng nhìn vào màu sắc, họ lập tức nghĩ tới một sản phẩm cụ thể từ một thương hiệu.
Điều này là rất khó khi các màu sắc cơ bản đã rất phổ biến trên thị trường. Các loại màu sắc đặc thù phái sinh từ các nhóm màu lớn rất khó cạnh tranh về độ phổ biến so với nhóm màu chính.
Nhãn hiệu mùi hương cũng là một loại nhãn hiệu phi truyền thống đặc thù do nó còn phụ thuộc vào khứu giác và sự cảm nhận khác biệt của các thẩm định viên. Một ví dụ nổi bật của nhãn hiệu mùi là mùi hương của cỏ tươi trong bóng tennis của công ty Vennochi đã được bảo hộ tại Mỹ.
Nhãn hiệu vị có thể được đánh giá là dạng nhãn hiệu phi truyền thống khó đăng ký nhất. Hiện nay, nhiều công ty dược phẩm đã cố đăng ký nhãn hiệu vị cho sản phẩm của họ, song việc bảo hộ nhãn hiệu vị có các yêu cầu rất khắt khe về khả năng nhận diện và phân biệt của sản phẩm. Các cơ quan đăng ký thường yêu cầu chứng minh rằng vị có thể trở thành một yếu tố nhận diện duy nhất và không liên quan đến chức năng của sản phẩm, điều mà gần như không thể đạt được trong nhiều trường hợp.
Việc bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống đòi hỏi các thương hiệu phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý khắt khe và có chiến lược rõ ràng trong việc xây dựng nhãn hiệu. Thêm vào đó, các quốc gia cũng có tiêu chuẩn khác nhau về việc chấp nhận đăng ký các nhãn hiệu này, dẫn đến những khác biệt trong thực tiễn bảo hộ.
Bên cạnh vấn đề pháp lý là vấn đề lợi ích, khi kể cả đăng ký được tại một quốc gia mà các quốc gia khác không công nhận sự bảo hộ đó thì lợi ích kinh tế đối với các doanh nghiệp khổng lồ này sẽ không tương xứng với công sức bỏ ra. Chỉ khi phần lớn các thị trường trọng điểm đều công nhận, có quy định pháp lý về việc bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống này thì ta mới có thể thấy số lượng đơn đăng ký nộp và bảo hộ gia tăng đáng kể.
Dẫu vậy, việc bảo hộ các nhãn hiệu phi truyền thống là minh chứng cho thấy thị trường đang công nhận tầm quan trọng của sự sáng tạo, đồng thời thể hiện nỗ lực của các quốc gia trong việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Quy định pháp luật về đăng ký nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam
Tại các quốc gia phát triển phương Tây, âm thanh đặc trưng của các thương hiệu lớn – từ giai điệu mở đầu của các hãng điện thoại cho đến âm thanh quảng cáo đặc thù của các công ty công nghệ – được coi là tài sản trí tuệ quý giá.
Các quy định ở các nước này không chỉ công nhận nhãn hiệu âm thanh mà còn đưa ra tiêu chuẩn chặt chẽ để bảo đảm các nhãn hiệu này có khả năng phân biệt cao và được người tiêu dùng nhận diện.
Các quy trình thẩm định của họ cũng được đầu tư mạnh mẽ, với việc sử dụng công nghệ phân tích âm thanh tiên tiến nhằm đảm bảo tính độc quyền của nhãn hiệu và giảm thiểu tối đa nguy cơ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngược lại, tại Việt Nam, khái niệm nhãn hiệu âm thanh vẫn còn khá mới mẻ, chưa có sự công nhận rộng rãi cũng như chưa có một khung pháp lý chính thức và chi tiết. Khoản 20 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:
“1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;”
Theo đó, âm thanh đã được bổ sung vào dấu hiệu được bảo hộ đối với nhãn hiệu, có hiệu lực từ ngày 14 tháng 1 năm 2022.
Về điều kiện bảo hộ, khoản 2 Điều 105 Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2022 Luật Sở hữu trí tuệ có yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu là nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó.
Khó khăn về pháp lý khi đăng ký nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam
Hệ thống sở hữu trí tuệ hiện tại của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các nhãn hiệu hình ảnh, chữ viết, hoặc kết hợp, khiến việc đăng ký nhãn hiệu âm thanh chưa được xem là phổ biến và khả thi.
Hiện nay Việt Nam chưa có tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá tính độc quyền và khả năng nhận diện của loại nhãn hiệu này. Điều này tạo ra một khoảng trống lớn trong việc bảo vệ tài sản thương hiệu đối với các doanh nghiệp mong muốn mở rộng cách tiếp cận nhận diện thương hiệu qua âm thanh.
Ngoài ra, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ cũng gây thêm nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam chưa thống nhất trong việc xử lý và bảo hộ các loại nhãn hiệu phi truyền thống như âm thanh.
Điều này có nghĩa là, ngay cả khi một doanh nghiệp cố gắng đăng ký nhãn hiệu âm thanh, quy trình bảo vệ nhãn hiệu của họ cũng có thể gặp phải những rủi ro, tranh chấp pháp lý và sự thiếu chắc chắn trong việc thẩm định. Việc không có tiêu chuẩn rõ ràng và các hướng dẫn cụ thể về nhãn hiệu âm thanh có thể dẫn đến nguy cơ nhãn hiệu của doanh nghiệp không được bảo hộ đúng cách, và khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều bất lợi.
Tất cả những điều này làm cho môi trường đăng ký và bảo vệ nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam trở nên phức tạp. Các doanh nghiệp Việt Nam vì thế vẫn còn xa lạ với việc sử dụng âm thanh làm nhãn hiệu, trong khi các cơ quan quản lý đang phải nỗ lực để tìm hiểu và cập nhật khung pháp lý phù hợp với xu hướng toàn cầu.
Khó khăn về mặt kỹ thuật và quy trình thẩm định
Một trong những rào cản lớn trong việc đăng ký nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam là các khó khăn về kỹ thuật và quy trình thẩm định. Hiện tại, các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam chưa được trang bị đầy đủ công nghệ và phần mềm chuyên dụng để phân tích và lưu trữ nhãn hiệu âm thanh như các cơ quan sở hữu trí tuệ của các quốc gia phương Tây.
Trong khi đó, so với nhãn hiệu hình ảnh, việc thẩm định nhãn hiệu âm thanh đòi hỏi một quy trình phức tạp và yêu cầu kỹ thuật cao hơn, do cần xác định được tính độc đáo và khả năng phân biệt của từng âm thanh.
Để một nhãn hiệu âm thanh được cấp quyền bảo hộ, cơ quan thẩm định phải có khả năng nhận diện và phân biệt các sắc thái âm thanh khác nhau, đồng thời xác định rằng âm thanh này là đặc trưng, không trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với những âm thanh khác.
Sự khó khăn bắt đầu ở việc phân biệt từng yếu tố nhỏ của một nốt nhạc, và rồi sau đó mở rộng khi phải kết hợp nhiều nốt nhạc đó để tạo thành một giai điệu ngắn, tiếp tục xem xét toàn bộ giai điệu dài,…
Khó khăn càng gia tăng khi việc phân biệt âm thanh đặc trưng và âm thanh thông thường không phải là điều dễ dàng. Chẳng hạn, những âm thanh phổ biến như chuông báo hay nhạc nền có thể dễ dàng gây nhầm lẫn hoặc không tạo được sự khác biệt rõ rệt, vì chúng thường gặp trong đời sống hàng ngày và không mang tính độc quyền cao.
Do đó, để xác lập được một nhãn hiệu âm thanh độc đáo, cơ quan thẩm định phải có quy trình kỹ thuật chuyên biệt để phân biệt rõ ràng các yếu tố âm thanh. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thể thực hiện một cách hiệu quả tại Việt Nam, khi mà các công cụ hỗ trợ thẩm định âm thanh còn hạn chế, gây trở ngại cho quá trình đăng ký nhãn hiệu âm thanh của doanh nghiệp.
Khó khăn về mặt thị trường và ý thức người tiêu dùng
Ngoài các rào cản về pháp lý và kỹ thuật, việc đăng ký và bảo vệ nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam còn gặp khó khăn do hạn chế trong nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Hiện nay, phần lớn người tiêu dùng tại Việt Nam nhận diện thương hiệu chủ yếu qua logo, màu sắc, hoặc tên gọi, trong khi nhận diện thương hiệu bằng âm thanh vẫn còn xa lạ. Nhiều doanh nghiệp cũng chưa thực sự chú trọng đến việc sử dụng âm thanh làm nhãn hiệu, dẫn đến tình trạng thiếu đầu tư và khai thác hiệu quả loại hình nhãn hiệu này.
Sự thiếu phổ biến của nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam đã khiến cho các doanh nghiệp chưa nhận thức được tiềm năng mà nó mang lại trong việc tạo ấn tượng sâu sắc và dễ nhớ với khách hàng.
Bên cạnh đó, việc thiếu hiểu biết về giá trị của nhãn hiệu âm thanh còn tạo ra những rủi ro đáng kể về tranh chấp và vi phạm. Âm thanh, với tính chất dễ sao chép và tái sử dụng, có thể bị sao chép hoặc xâm phạm một cách dễ dàng nếu không có cơ chế bảo vệ pháp lý rõ ràng.
Khi xảy ra tranh chấp, việc xác định quyền sở hữu âm thanh thường gây tranh cãi, do luật pháp hiện hành chưa cung cấp cơ sở pháp lý đủ mạnh để bảo vệ nhãn hiệu âm thanh. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp đã đầu tư vào việc xây dựng nhãn hiệu âm thanh mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng vào uy tín của các thương hiệu.
Tạm kết
Việc đăng ký nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam hiện đang gặp phải nhiều khó khăn lớn từ các khía cạnh pháp lý, kỹ thuật và thị trường. Những rào cản này không chỉ làm cho quá trình đăng ký trở nên phức tạp mà còn ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.
Cả hệ thống pháp lý và quy trình thẩm định hiện tại vẫn còn thiếu sự hỗ trợ cần thiết để đáp ứng với loại nhãn hiệu âm thanh mới mẻ và độc đáo này. Thêm vào đó, nhận thức về giá trị và tiềm năng của nhãn hiệu âm thanh trong cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn còn hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển và khai thác loại hình nhãn hiệu này.
Trước thực trạng đó, một số giải pháp cần phải sớm thực hiện là bổ sung các quy định pháp lý cụ thể về nhãn hiệu âm thanh vào Luật Sở hữu trí tuệ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình đăng ký và bảo hộ, thực thi.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần đầu tư vào hệ thống thẩm định nhãn hiệu âm thanh, nâng cao năng lực kỹ thuật và chuyên môn để xử lý loại nhãn hiệu này một cách hiệu quả. Đồng thời, cần thúc đẩy các chương trình tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về nhãn hiệu âm thanh, giúp người tiêu dùng hiểu và nhận diện thương hiệu âm thanh dễ dàng hơn, từ đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nhãn hiệu này như một tài sản thương hiệu giá trị.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc đồng bộ hóa quy định về nhãn hiệu âm thanh giữa Việt Nam và quốc tế là một nhu cầu thiết yếu, tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài nước bảo vệ thương hiệu của mình một cách hiệu quả hơn.
Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc đẩy mạnh bảo hộ các nhãn hiệu phi truyền thống như âm thanh sẽ là một bước tiến quan trọng, giúp thương hiệu của doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững, bảo vệ lợi ích hợp pháp và củng cố vị thế trên thị trường quốc tế.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn về Luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và quốc tế.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN