Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động mở rộng qua hình thức đầu tư nước ngoài đã trở thành một xu hướng trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Tại Châu Á, trong số các quốc gia có tiềm năng để mở rộng phát triển hoặc thiết lập công xưởng sản xuất, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi bước chân vào thị trường này, không chỉ đối mặt với cơ hội mà các doanh nghiệp nước ngoài còn phải đương đầu với nhiều thách thức, trong đó có sự phức tạp liên quan đến các quy định về thuế phải đóng tại Việt Nam.
Việt Nam có hệ thống thuế với nhiều quy định và chính sách riêng biệt đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này tạo nên một hệ thống pháp lý phức tạp và đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng từ phía các doanh nghiệp nước ngoài trong việc tuân thủ các nghĩa vụ thuế khi mở rộng phát triển tại Việt Nam.
Bài viết sau sẽ đi sâu vào các loại thuế,cùng với tư vấn luật thuế mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần lưu ý khi hoạt động tại Việt Nam để đảm bảo doanh nghiệp nước ngoài có thể tuân thủ pháp luật và tối ưu hóa lợi ích kinh doanh.
Thuế môn bài
Thuế môn bài là khái niệm được giới thiệu lần đầu tại Pháp lệnh Thuế Công thương nghiệp 1983 số 10-LCT/HĐNN7. Cụ thể, thuế môn bài là loại thuế kinh doanh của tổ chức và cá nhân kinh doanh thường xuyên hoặc buôn từng chuyến hàng đều phải nộp.
Tuy nhiên, thuật ngữ ‘’thuế môn bài” đã được thay thế tại Công văn 5633/TCT-CS thành “lệ phí môn bài”.
Căn cứ Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (“Nghị định 139”) sửa đổi bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP, mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ dao động từ 1 đến 3 triệu đồng/năm. Đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, lệ phí môn bài dao động từ 300 nghìn đồng/năm đến 1 triệu đồng/năm.
Mức thu sẽ dao động dựa trên vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với doanh nghiệp, tổ chức và dựa trên doanh thu hàng năm đối với cá nhân, hộ gia đình.
Đối với doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thông qua hình thức mở văn phòng đại diện, chi nhánh, mở địa điểm kinh doanh thì mức thuế môn bài sẽ là 1 triệu đồng/năm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định 139.
Hành vi không nộp hoặc chậm nộp thuế môn bài sẽ bị xử trí theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019 số 38/2019/QH14, mức tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp sẽ bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Thuế giá trị gia tăng
Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 số 13/2008/QH12 (“Luật Thuế giá trị gia tăng 2008”) quy định: “Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.”
Cụ thể, thuế giá trị gia tăng (Value-added tax – VAT) là một loại thuế áp dụng cho các sản phẩm và dịch vụ trong quá trình lưu thông và tiêu thụ tại Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng là các đối tượng nộp thuế.
Tuy nhiên, thuế giá trị gia tăng thực chất là thuế gián thu. Người tiêu dùng tại Việt Nam chính là đối tượng phải chi trả khoản thuế này khi thuế giá trị gia tăng được cộng vào giá bán hàng hóa, dịch vụ. Dù người tiêu dùng là đối tượng phải chi trả gián tiếp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó là đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng trực tiếp tới Nhà nước Việt Nam.
Theo đó, nếu doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ, họ sẽ là đối tượng trực tiếp đóng thuế VAT dựa trên giá trị gia tăng tại mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ.
Tại Việt Nam, các mức thuế suất thuế giá trị gia tăng gồm 5%, 10% và 0% (miễn thuế).
Mức thuế suất 0% thuế giá trị gia tăng gồm các đối tượng quy định tại Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, sửa đổi năm 2013 và 2016. Mức thuế suất 5% thuế giá trị gia tăng gồm các hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với các loại hàng hóa, dịch vụ khác không thuộc đối tượng áp thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% và 5%.
Số thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải đóng sẽ phụ thuộc vào mức thuế suất áp dụng đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp và doanh thu tính thuế giá trị gia tăng.
Thuế xuất nhập khẩu
Thuế xuất nhập khẩu, thực chất là thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong các văn bản quy phạm pháp luật, cũng là một loại thuế gián thu đánh vào các loại sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
Thuế xuất nhập khẩu bao gồm hai loại thuế chính gồm thuế xuất khẩu đánh vào những sản phẩm, hàng hóa mà Nhà nước Việt Nam muốn hạn chế xuất khẩu ra nước ngoài và thuế nhập khẩu đánh vào những sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong đó, thuế nhập khẩu có ba loại thuế đáng chú ý theo như quy định tại Điều 12, 13 và 14 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 số 107/2016/QH13 (“Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016”) gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ.
Các loại thuế phòng vệ thương mại trên được Việt Nam áp dụng khi lượng sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu từ các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam gây hoặc đe dọa gây nên hậu quả nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của Việt Nam.
Thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với các sản phẩm được xác định gây nên tình trạng bán phá giá tại Việt Nam, ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường và lợi ích của ngành sản xuất trong nước. Thuế chống trợ cấp được áp dụng đối với các sản phẩm được xác định có hành vi trợ cấp thông qua nhiều phương thức từ Chính phủ của doanh nghiệp nước ngoài hoặc các tổ chức công, thông qua các hình thức như giảm hoặc miễn thuế, tài trợ, hỗ trợ nguyên liệu đầu vào, ưu đãi bảo hiểm xuất khẩu, ưu đãi tín dụng,…
Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, thuế tự vệ là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Các luật sư, chuyên gia về chống bán phá giá, phòng vệ thương mại của ASL LAW đã và đang đại diện cho các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, người dùng, tổ chức người tiêu dùng và chính phủ trong các vụ việc liên quan đến chống bán phá giá khác nhau.
Ngoài đại diện khách hàng trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và phòng vệ thương mại do phía Việt Nam phát động, ASL LAW cũng đại diện cho các nhà sản xuất, xuất khẩu trong các cuộc điều tra chống bán phá giá do Mỹ, EU khởi xướng. Công ty luật chuyên về phòng vệ thương mại ASL LAW thường xuyên tư vấn cho khách hàng về việc chuẩn bị các yêu cầu về đối xử kinh tế thị trường và trả lời câu hỏi chống bán phá giá và thực hiện mô phỏng biên độ bán phá giá và thiệt hại.
Đối với từng loại hàng hóa khác nhau và chính sách từng thời kì, tác động từ việc xuất nhập khẩu thì mức thuế suất sẽ có sự khác biệt.
Điển hình, Việt Nam đã bị Hoa Kỳ xác định thực hiện hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang áp dụng đối với doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, để thực hiện chính sách môi trường xanh cần gấp việc sản xuất, triển khai áp dụng năng lượng mặt trời, Chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ban hành lệnh miễn áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam và ba quốc gia Đông Nam Á khác đến tháng 6 năm 2024.
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Dù không được định nghĩa cụ thể nhưng căn cứ vào quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 số 14/2008/QH12 (“Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008”), có thể diễn giải thuế thu nhập doanh nghiệp là một loại thuế mà nhà nước trực tiếp thu vào ngân sách của nhà nước tính trên thu nhập chịu thuế của các tổ chức kinh doanh và doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp nước ngoài.
Thuế thu nhập doanh nghiệp được tính trên cơ sở thu nhập ròng của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi một số khoản chi phí, khấu trừ và giảm trừ theo quy định của pháp luật.
Các nguồn thu nhập của doanh nghiệp mà thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng có thể bao gồm lợi nhuận từ kinh doanh, lợi ích từ đầu tư, thu nhập từ bán tài sản, và các khoản thu nhập khác. Quy định về cách tính thuế và các khoản giảm trừ cụ thể có thể thay đổi tùy theo quy định của từng quốc gia đối với từng loại hình doanh nghiệp khác nhau.
Căn cứ khoản 1 Điều 10 Văn bản hợp nhất số 22/VBHN-VPQH 2020 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam là 20% kể từ năm 2016.
Tuy nhiên, mức thuế suất có thể dao động mạnh so với mức trên trong một số trường hợp. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, Nhà nước hiện đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng để thu hút đầu tư.
Theo báo cáo của Tổng Cục thuế Việt Nam, tính đến hết năm 2022, thuế thực tế Việt Nam áp dụng đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam dao động ở mức trung bình 12,3%. Trong đó, nhiều công ty, tập đoàn lớn chỉ chịu mức thuế từ 2,75% đến 5,95%.
Chính sách ưu đãi về thuế quan đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn vào Việt Nam trong những năm qua, tạo nhiều công việc cho người lao động và cải thiện đáng kể sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2024, khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD được áp dụng với quy định mức thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế tối thiểu phải là 15%, các ưu đãi về thuế quan của Việt Nam sẽ không còn hiệu lực.
Theo đó, nếu giữ nguyên ưu đãi về thuế quan như hiện tại, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam vẫn sẽ phải nộp khoản chênh lệch về thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan khác. Điểm khác biệt là Việt Nam sẽ đánh mất quyền thu khoản thuế chênh lệch đó.
Với mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%, Việt Nam sẽ cần tìm các giải pháp khác để giữ khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi cuối tháng 11 năm 2023, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu từ năm 2024.
Khuyến nghị
Ngoài các loại thuế trên, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam còn cần lưu ý đến các loại thuế khác tùy thuộc vào mô hình hoạt động của doanh nghiệp như thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa hoặc kinh doanh dịch vụ xa xỉ, thuế tài nguyên đối với doanh nghiệp nước ngoài khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế, thuế sử dụng đất, thuế môi trường,… nhằm cân bằng, điều tiết mức độ sản xuất và tiêu dùng trên thị trường, bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất nội địa và nền kinh tế Việt Nam theo đường lối, chính sách phát triển được đặt ra.
Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu được OECD ban hành nhằm chấm dứt cuộc đua về việc hạ thấp thuế suất giữa các quốc gia vốn không mang lại sự ổn định và tăng trưởng lâu dài cho toàn cầu, đồng thời là hành vi cạnh tranh không công bằng đối với các quốc gia phát triển.
Nhằm hoàn thiện chính sách thuế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khiến Việt Nam trở thành địa điểm kinh doanh có sức hút trong khu vực, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách quốc gia theo hướng tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và ổn định, giảm tải và đơn giản hóa các thủ tục hành chính công, bảo đảm doanh nghiệp nước ngoài có thể tiếp cận dễ dàng đến các nguồn vốn, nguồn lao động, nguồn nguyên liệu, điều kiện giao thông, kết cấu, cơ sở hạ tầng vững chắc theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Khi các thay đổi thực chất được thực hiện dựa trên sự tiến bộ của công nghệ thông tin, sức mạnh khoa học kĩ thuật và được triển khai áp dụng toàn hệ thống, doanh nghiệp nước ngoài sẽ thấy được các lợi ích lâu dài khi đầu tư, hoạt động tại Việt Nam.
Các ưu đãi thuế thực chất hàng năm hiện tại nên được ưu tiên chuyển đổi thành các giá trị gia tăng, hiệu quả hoạt động trong dài hạn. Các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cần chú ý đến các quy định về thuế để đảm bảo không có sai phạm xảy ra.
Theo đó, các doanh nghiệp nên xem xét hợp tác với các công ty luật có chuyên môn tư vấn luật thuế để nhận được sự hỗ trợ thường xuyên, sát sao trong suốt chặng đường phát triển của mình.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal. xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn về Luật Thuế.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN